Một nghiên cứu cho thấy gene của một chủng người đã tuyệt chủng tồn tại trong cơ thể của người dân châu Á.
Người hiện đại tại châu Á là hậu duệ của một chủng người đã biến mất.
Mattias Jakobsson, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Sinh học Tiến hóa thuộc Đại học Uppsala tại Thụy Điển, cùng các đồng nghiệp phân tích DNA trong một mẩu xương ngón tay có niên đại 40.000 tuổi được phát hiện trên dãy núi Alta thuộc vùng Siberia của Nga vào năm 2008. Mẩu ngón tay thuộc về một chủng người mà giới khoa học gọi là Denisovan, National Geographic cho biết.
Sau đó nhóm nghiên cứu so sánh bản đồ gene của mẩu xương ngón tay với bản đồ gene của 50 cộng đồng dân cư và 270 cá nhân tại Đông Nam Á và phía nam Trung Quốc.
Kết quả cho thấy người ở phía nam Trung Quốc và Đông Nam Á có chung 1% số gene với người Denisovan. Điều đó có nghĩa là người Denisovan từng giao phối với tổ tiên của người hiện đại tại châu Á.
David Reich, một chuyên gia của Đại học Y khoa Harvard tại Mỹ, cũng từng phân tích gene của mẩu xương ngón tay thuộc về người Denisova. Hồi đó ông chỉ phát hiện quan hệ họ hàng giữa người Denisovan với người bản xứ tại Australia và Philippines.
Vào năm 2010 các nhà khoa học châu Âu cũng phân tích DNA trong mẩu xương ngón tay nói trên và nhận thấy người dân tại Papua New Guinea và quần đảo Melanesian có quan hệ họ hàng với chủng người Denisovan.
"Những nghiên cứu về cấu tạo gene của người cổ xưa cho thấy nguồn gốc di truyền của chúng ta phức tạp và pha trộn nhiều hơn giới khoa học vẫn tưởng", Reich bình luận.