Chênh lệch áp suất trên máy bay liệu có đủ để khiến các túi độn ngực bị xé rách và rò rỉ?
Thế giới luôn có một sự tôn thờ nhất định đối với những người đẹp có vòng 1 khủng. Và bởi vì nhu cầu làm đẹp thì ai cũng có, nên rất nhiều chị em đã tìm đến loại hình phẫu thuật thẩm mỹ để có cho mình một bộ ngực ưng ý.
Nhưng câu chuyện độn ngực cũng lắm vấn đề. Có người cho rằng ngực độn mong manh, dễ vỡ lắm, cấm không được đụng chạm mạnh. Người khác thì tin rằng phụ nữ độn ngực không nên đi máy bay, vì chênh lệch áp suất có thể khiến túi độn bên trong bị xé rách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Vậy thực hư thế nào? Chẳng lẽ cứ độn ngực là lúc nào cũng như ôm bom, chẳng dám đi đâu, làm gì?
Túi ngực không dễ vỡ như bạn tưởng
Túi ngực ngày nay có 2 loại: một loại chứa silicone dạng gel, một loại chứa saline - hay còn gọi là túi nước biển. Trong đó, loại dùng silicone được ưa chuộng hơn vì sự chắc chắn, bền vững và đem lại vẻ tự nhiên cho chị em sau khi đụng chạm dao kéo.
Còn về độ bền của các loại túi ngực, thực sự chúng không dễ vỡ như bạn tưởng. Trên thực tế, hiện tượng túi ngực vỡ quả là từng xuất hiện trong lịch sử ngành phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng đó là từ trước năm 1990 rồi. Nguyên nhân là vì thời kỳ này, các túi ngực được thiết kế với vỏ ngoài quá mỏng, và không có đủ phương tiện để kiểm tra độ an toàn.
Sự an toàn của túi ngực ngày nay còn được tính đến cả trường hợp không may bị rò rỉ.
Nhưng qua thời gian, các thế hệ túi ngực mới được thiết kế rất bền vững, chất lượng tốt hơn hẳn trước. Theo Patrick Tansley - bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ người Úc, thì với thế hệ túi ngực sản xuất từ năm 2009 thôi, tỉ lệ vỡ vì chấn động đã gần như bằng 0 rồi.
Sự an toàn của túi ngực ngày nay còn được tính đến cả trường hợp không may bị rò rỉ. Như túi gel silicone chẳng hạn, dù có bị rách thì hóa chất bên trong cũng không thể rỉ ra, do tất cả đã được cô đặc thành dạng gel rồi.
Túi ngực thế hệ mới thậm chí dù có dùng kéo cắt cũng không gây nguy hiểm.
Nguồn gốc của tin đồn: đi máy bay vỡ túi ngực
Mọi chuyện dĩ nhiên là phải có lý do. Trang Gadling cho biết vào năm 2009, người phụ nữ tên Irene đã bay chuyến từ Moscow (Nga) đến Los Angeles, và cô đã có một trải nghiệm đầy kinh hoàng.
Ngay khi lên máy bay, Irene có chia sẻ với tiếp viên về việc mình cảm thấy không khỏe. Chuyến bay vẫn diễn ra, nhưng khi hạ cánh, Irene bất tỉnh nhân sự. Nguyên nhân được cho là vì một bên túi ngực size F khổng lồ của cô đã phát nổ.
Các bác sĩ sau đó đã kết luận máy bay không khiến bộ ngực phát nổ.
Các bác sĩ sau đó đã kết luận máy bay không khiến bộ ngực phát nổ. Tuy nhiên, trong bản báo cáo có đoạn: sự chênh lệch áp suất đã khiến vết rách trên túi silicone toạc ra nhanh hơn. Chính điều này đã dẫn đến tin đồn về nguy cơ "nổ ngực bơm" khi đi máy bay.
Túi ngực có thể bị rò rỉ vì nguyên nhân khác
Tất nhiên, không có gì tồn tại mãi mãi. Qua thời gian, chất liệu cấu thành nên túi ngực sẽ bị thoái hóa khiến silicone bên trong rỉ ra ngoài. Và tùy vào chất lượng của túi mà thời gian này sẽ khác nhau, có thể từ 7 - trên 10 năm.
Túi độn ngực cũng có thể bị rò rỉ do rủi ro trong quá trình phẫu thuật.
Theo Jeffrey Zwiren - bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Prima Center (Hoa Kỳ), phụ nữ sau khi nâng ngực cần đến các trung tâm thẩm mỹ để kiểm tra định kỳ. Các công nghệ như MRI (chụp cắt lớp bằng X-quang), hoặc siêu âm sẽ giúp bạn biết được khi nào cần phải thay thế túi độn ngực.
Ngoài ra, túi độn ngực cũng có thể bị rò rỉ do rủi ro trong quá trình phẫu thuật. Silicon gel có thể rò rỉ khá chậm nên nếu sau một thời gian bạn cảm thấy đau tức ở khu vực này, hãy ngay lập tức đi khám để xác định nguy cơ và phẫu thuật loại bỏ túi nếu cần thiết.