Điều cần biết về chứng đổ mồ hôi đêm

Nguyên nhân gây ra chứng đổ mồ hôi đêm

Nếu bạn thức dậy thấy người ướt đẫm mồ hôi, chẳng hạn ở nách, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao, vì có thể có những vấn đề nghiêm trọng ẩn giấu.

Đổ mồ hôi đêm không phải là hiếm gặp: Trong một nghiên cứu được công bố trên tờ Annals of Family Medicine khoảng 1/3 những bệnh nhân được chăm sóc ban đầu cho biết họ bị đổ mồ hôi trong suốt tháng gần đây nhất. Tuy nhiên, theo tác giả nghiên cứu, James Mold, một bác sĩ ở ĐH Oklahoma, Mỹ, không ai biết chính xác tình trạng này xảy ra phổ biến như thế nào vì phần lớn người mắc không báo cáo triệu chứng với bác sĩ.

Trong bài tổng quan y văn trên tờ Journal of the American Board of Family Medicine, Mold và cộng sự cho biết có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ đổ mồ hôi ban đêm bao gồm những tác động gây hoảng loạn, rối loạn giấc ngủ, sốt, tê tay và chân, lo âu, căng thẳng và rối loạn hô hấp trong đêm.


Ảnh: osteopathic.org

Đổ mồ hôi đêm cũng có thể là do tác dụng phụ của thuốc bao gồm các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI - thuốc chống trầm cảm), thường được kê để điều trị bệnh trầm cảm.

Trong trường hợp xấu, đổ mồ hôi đêm có thể là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng. Tổng quan nghiên cứu của tiến sĩ Mold chỉ ra rằng đây có thể là triệu chứng của các bệnh tự miễn, bệnh về tim, rối loạn nội tiết, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm HIV, lao, ung thư, ngừng thở khi ngủ và rối loạn hoảng sợ.

Những yếu tố này khiến bạn đổ mồ hôi như thế nào?

Cơ thể bạn sử dụng mồ hôi để giảm nhiệt độ trung tâm khi nó đạt tới một ngưỡng được gọi là vùng nhiệt trung tính. Rất nhiều nguyên nhân đẩy nhiệt độ cơ thể tới vùng nhiệt này, từ việc sử dụng chăn dày tới các quá trình gây viêm trong cơ thể khi bạn bị nhiễm trùng hoặc có bệnh.

Một số nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng các chất trung gian gây viêm tăng vọt một cách định kỳ trong đêm. Hơn nữa, một số bệnh có thể ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh giao cảm hoặc tuyến mồ hôi của bạn hoặc một số yếu tố khác ảnh hưởng tới khả năng điều tiết nhiệt độ của cơ thể.

Theo Mold và cộng sự thì có một trường hợp khác là: Những người tập luyện với cường độ cao có thể bị đổ mồ hôi ở nhiệt độ thấp hơn. Chưa rõ điều này có dẫn tới đổ mồ hôi ban đêm hay không nhưng một nghiên cứu trên tờ Human Kinetics phát hiện ra rằng đổ mồ hôi đêm có thể là dấu hiệu của luyện tập quá sức.

Điều cơ bản là nếu bị đổ mồ hôi hàng đêm hoặc nếu bạn có dấu hiệu sợ hãi và ra mồ hôi ướt đẫm áo thì bạn cần đi khám bác sĩ.

Bạn cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể hai lần mỗi ngày trong một tuần để phát hiện nếu có sốt và ghi chép lại các triệu chứng khác để thông báo cho bác sĩ. Thông thường đổ mồ hôi đêm không phải là triệu chứng duy nhất khi có bệnh.

Cách tốt nhất để giảm mồ hôi đêm là điều trị nguyên nhân. Trong những trường hợp mồ hôi đêm do thuốc chống trầm cảm SSRI, ở một số người có sự cải thiện nhờ uống thêm các thuốc được gọi là thuốc chẹn alpha-adrenergic.

Một số nguyên nhân bất ngờ gây ra tình trạng đổ mồ hôi đêm

Do nhiệt độ phòng quá nóng

Theo chuyên gia về giấc ngủ William Christopher Winter (W. Christopher Winter) cho biết, nếu phòng ngủ của bạn quá nóng thì bạn sẽ gặp phải hiện tượng đổ mồ hôi khi ngủ, thậm chí còn khiến bạn trằn trọc, khó ngủ hơn. Bên cạnh đó, nếu bạn mặc đồ quá dày và ít thoáng khí thì nó cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.

Mắc bệnh tăng tiết mồ hôi

Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, khi mắc phải căn bệnh này, bạn sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn người bình thường, đặc biệt là cả trong lúc ngủ. Căn bệnh này thường chỉ ảnh hưởng đến một số bộ phận trên cơ thể là lòng bàn tay, bàn chân, nách và vùng đầu.

Ngoài ra, người mắc bệnh cũng sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động trong ngày như cầm nắm đồ vật, gõ máy tính... Chính vì vậy, ngay khi thấy mình có hiện tượng tăng tiết mồ hôi thì bạn nên đi khám da liễu ngay để được chữa trị bệnh kịp thời, phòng tránh nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng tai hại.

Cơ thể bị rối loạn nội tiết tố

Nồng độ estrogen thay đổi cũng có thể là nguyên nhân gây đổ mồ hôi vào ban đêm. Do đó, nếu bạn đang mang thai hoặc ở trong kỳ "đèn đỏ" thì hormone cũng sẽ thay đổi và dẫn tới hiện tượng trên. Và với những người đã bước vào độ tuổi mãn kinh thì cơ thể sẽ dễ bốc hỏa hơn nên tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm cũng xuất hiện thường xuyên khi ngủ.

Dùng thuốc chống trầm cảm quá nhiều


Các bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm rất dễ bị đổ mồ hôi vào ban đêm.

Các bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm rất dễ bị đổ mồ hôi vào ban đêm. Do trong loại thuốc này có chứa thành phần gây phản ứng adrenergic, liên quan đến hormone adrenaline và gây đổ mồ hôi. Do đó, nếu bạn đang dùng các loại thuốc chống trầm cảm như venlafaxine hay bupropion thì tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm sẽ xảy ra nhiều hơn.

Mắc bệnh ung thư bạch huyết

Bệnh ung thư bạch huyết thường gây ra các triệu chứng như sốt, giảm cân đột ngột và đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm. Hiểu nôm na là, khi cơ thể mắc loại ung thư này thì nó sẽ tự tăng nhiệt độ lên để chống lại khối u từ bên trong.

Nhiễm trùng

Nếu bạn bị bệnh do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, cơ thể sẽ tăng nhiệt độ bên trong để chống lại nhiễm trùng. Sự gia tăng thân nhiệt có thể dẫn đến đổ mồ hôi.

"Các bệnh nhiễm trùng khác như HIV, lao, bạch cầu đơn nhân tạo ra hóa chất cytokine. Hóa chất này có tác dụng chống lại nhiễm trùng, gây sốt và đổ mồ hôi đêm", Tiến sĩ Soma Mandal, bác sĩ nội khoa tại Summit Medical Group, ở Berkeley Heights, New Jersey (Mỹ), cho biết.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Theo Webmd, đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt vào ban đêm, có thể cảnh báo bạn mắc bệnh GERD. Cùng với đổ mồ hôi, GERD có thể gây ợ chua, đau thắt ngực, khó nuốt, trào ngược, rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về hô hấp.

Bạn nên đi khám nếu gặp phải những triệu chứng này ít nhất 2 lần/tuần hoặc tình trạng trào ngược nặng xảy ra ít nhất một lần/tuần.

Chứng ngưng thở khi ngủ

Đây là tình trạng khiến bạn ngừng thở khi ngủ, thường xảy ra nhiều lần trong một đêm. Nó có thể gây ra các vấn đề như đổ mồ hôi đêm, cảm thấy mệt mỏi suốt cả ngày, ngủ không yên, khó thở, đau đầu.

Nếu không được điều trị, tình trạng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như hen suyễn, vấn đề về tim mạch.

Rối loạn thần kinh


Một số trường hợp đổ mồ hôi ban đêm có thể là dấu hiệu của các vấn đề thần kinh.

Trong một số trường hợp hiếm, đổ mồ hôi ban đêm có thể là dấu hiệu của các vấn đề thần kinh bao gồm đột quỵ, chứng khó đọc tự chủ, bệnh thần kinh tự trị và syringomyelia (rỗng tủy sống hậu chấn thương).

Ngoài đổ mồ hôi, bạn có thể nhận biết tình trạng này khi gặp các triệu chứng khác như chán ăn, mất ý thức, chóng mặt, yếu cơ, tê và ngứa ran ở tay, chân.

Bệnh bạch cầu lymphocytic mạn tính (CLL)

Theo CNN, đây là dạng bệnh ung thư xảy ra ở một số loại tế bào bạch cầu gọi là lympho. CLL phát triển chậm và ít có triệu chứng tại thời điểm chẩn đoán. Thay vào đó, nó thường được phát hiện khi kết quả xét nghiệm máu định kỳ của bạn cho thấy số lượng tế bào bạch cầu cao bất thường.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đổ mồ hôi ban đêm có thể xuất hiện trước khi bạn được chẩn đoán mắc CLL. Nếu bạn bị triệu chứng này trong vài tuần, đặc biệt kèm theo các dấu hiệu khác như giảm cân, mệt mỏi, bầm tím, hạch bạch huyết phát triển và lá lách to, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm CLL.

CLL có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến bạn dễ bị nhiễm trùng. Kết quả, bạn có thể bị sốt, đổ mồ hôi vào ban đêm do cơ thể phản ứng chống lại nhiễm trùng.

Đổ mồ hôi đêm là gì?

Đổ mồ hôi đêm là các đợt đổ mồ hôi quá nhiều có thể làm ướt sũng quần áo hoặc giường nệm và liên quan đến một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn hoặc bệnh lý.

Đôi khi, bạn có thể bị thức giấc do đổ mồ hôi quá mức, đặc biệt nếu đắp quá nhiều chăn hoặc nếu phòng ngủ quá nóng. Mặc dù khó chịu, những cơn đổ mồ hôi này không gọi là đổ mồ hôi đêm và thường không phải là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe.

Nhìn chung, đổ mồ hôi đêm thường kết hợp với sốt, sụt cân, đau khu trú, ho, tiêu chảy hoặc các triệu chứng đáng quan tâm khác.

Đổ mồ hôi đêm rất phổ biến ở cả nam và nữ, người lớn và trẻ em.

Cập nhật: 02/11/2020 Tổng Hợp
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video