Điều gì gây ra cơn bão cát bụi khổng lồ "Godzilla"?

Sau hơn 50 năm, “Godzilla” quay trở lại và đang trở thành nỗi ám ảnh cho người dân sinh sống dọc các bờ biển khu vực miền nam nước Mỹ.

May thay, đây không phải con quái vật Godzilla mang hình dáng loài khủng long mà chúng ta thường được chiêm ngưỡng trong những bộ phim điện ảnh. Lần này, Godzilla là cái tên được đặt cho một đám mây cát bụi khổng lồ có nguồn gốc từ sa mạc Sahara.

"Đây là sự kiện quan trọng nhất trong vòng 50 năm qua. Nó có khả năng sẽ đe dọa các hòn đảo trong khu vực biển Caribbean", Pablo Méndez Lázaro, thuộc Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Puerto Rico trả lời AP.


Đám mây cát bụi từ sa mạc Sahara trôi dạt trên Đại Tây Dương được phi hành gia của NASA Doug Hurley chụp từ Trạm ISS. (Ảnh: Doug Hurley/NASA).

Từ Sahara vượt đại dương

Theo các hình ảnh ghi lại được từ vệ tinh ngoài không gian, đám mây cát bụi này có thể được nhìn thấy vô cùng rõ ràng, như một vết loang màu nâu bao phủ một phần Trái Đất.

“Thật đáng kinh ngạc khi nhìn thấy kích thước của nó!" Doug Hurley, thành viên của phi hành đoàn Dragon Crew trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS đăng trên Twitter.


Hình ảnh tua nhanh quá trình Godzilla vượt Đại Tây Dương. (Ảnh: NOAA/NASA).

Các đám mây bụi Sahara, hay còn được biến đến với tên khoa học Saharan Air Layer (SAL), được coi là một hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo các nhà khí tượng học, lớp cát bụi của sa mạc Sahara đã bị các cơn bão cuốn lên tạo thành một vùng mây bụi rộng lớn cao tới hơn 6.000m, bị gió thổi bay qua Đại Tây Dương và hướng thẳng đến vùng biển Caribbean.

Mặc dù các khối mây bụi vẫn còn khá nguyên vẹn trong hành trình vượt Đại Tây Dương, tuy nhiên, chúng đã khuếch tán và loãng dần khi tiến tới gần khu vực vịnh Caribbean. Khi lớp bụi dày đặc, bầu trời khi đó sẽ chuyển màu nâu đậm, tầm nhìn bị hạn chế.


Hình ảnh thể hiện rõ sự khác biệt ở bầu không khí khi lớp bão bụi tiến vào nước Mỹ. (Ảnh: Twitter).

Tuy nhiên nếu lớp bụi loãng dần, khúc xạ ánh sáng sẽ khiến cảnh bình minh và hoàng hôn trở nên vô cùng lãng mạn.

Lo ngại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe

Theo Trung tâm Dịch vụ Khí tượng Barbados, các cảnh báo không khí ô nhiễm nghiêm trọng đã được ban bố và kêu gọi cư dân chú ý cẩn thận trước khi quyết định di chuyển ra ngoài do tầm nhìn bị giảm đáng kể cũng như nguy cơ gây hại cho đường hô hấp.

Các vệ tinh của NASA đã sử dụng thước đo AOT để đánh giá mức độ mà các hạt bụi ngăn cản sự truyền ánh sáng qua khí quyển, chỉ số 0,01 tương đương với bầu trời trong suốt còn 0,4 tương đương với các điều kiện nguy hiểm. Ngày 23/6, chỉ số AOT đo được ở khu vực Hispaniola và Jamaica đã đạt mốc 1,5, vượt mức nguy hiểm 0,4 gấp 3 lần.


Khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp tại thành phố biển Miami “nhờ” đám mây cát bụi Godzilla. (Ảnh: Twitter).

Nghiên cứu đã cho thấy bụi trong không khí có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, đặc biệt với những người có tiền sử các bệnh liên quan đến đường hô hấp như hen suyễn hay dị ứng. Chúng thậm chí có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực tới những người khỏe mạnh trong trường hợp tiếp xúc quá lâu.

Đặc biệt, một nghiên cứu của Đại học Harvard gần đây đã cho thấy mức độ ô nhiễm gia tăng do bụi gây nên tỉ lệ thuận với con số người bệnh nhập viện và tử vong do COVID-19. Các quan chức y tế đã phải đưa ra khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe.

"Các ước tính cho thấy rằng các trường hợp COVID-19 dự kiến ​​sẽ tăng gần 100% khi nồng độ ô nhiễm chạm mức 20%", các nhà nghiên cứu cho biết.

Là một nguyên nhân khiến châu Mỹ "màu mỡ"

Các đám mây cát bụi từ Sahara từ lâu đã xuất hiện khá phổ biến vào khoảng thời gian mùa hè tại châu Mỹ.

Theo các nhà khoa học, phần lớn đất và chất dinh dưỡng màu mỡ ở khu vực Nam Florida và Caribbean đều có nguồn gốc từ cát bụi châu Phi tích tụ sau hàng triệu năm. Đối với các đại dương, cát bụi châu Phi có vai trò cung cấp chất dinh dưỡng nuôi dưỡng các rặng san hô, thiếu các chất dinh dưỡng đó, khu vực vùng Bahamas sẽ chỉ là một vùng biển cằn cỗi.


Những cơn bão bụi vượt Đại Tây Dương đã giúp đất đai châu Mỹ màu mỡ hơn. (Ảnh: NOAA/NASA).

Mặt khác, trong những năm bão bụi nghiêm trọng, các rặng san hô dường như bị ảnh hưởng hoặc thậm chí chết dần đi. Một giả thuyết cho rằng các chất gây ô nhiễm trộn lẫn với bụi từ các hoạt động nông nghiệp ở khu vực Sahel của Châu Phi là “thủ phạm” gây ra vấn đề này. Ngoài ra, quá nhiều khoáng chất trong bụi có thể thúc đẩy quá trình thụ tinh, làm cho tảo sớm nở hoa và gây hại cho san hô.

Không chỉ thế, bụi có khả năng làm ấm bầu không khí của chúng ta. Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 4, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các mô hình khí hậu khoa học đang đánh giá thấp lượng bụi thô trong khí quyển của chúng ta gấp 4 lần.

Cập nhật: 02/07/2020 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video