Đồ ăn thừa của Hoàng đế sau mỗi bữa ngự thiện được thái giám Tử Cấm Thành đưa đến chỗ ít ai ngờ

Sau khi Hoàng đế dùng bữa, đồ ăn thừa nếu không được ban cho các phi tần, quan viên thì sẽ được các thái giám và cung nữ trong Tử Cấm Thành lén lút cất giấu rồi âm thầm mang ra ngoài cung để bán cho các tửu điếm lớn.

Hoàng đế Trung Hoa vốn là người nắm giữ địa vị chí cao vô thượng. Cũng bởi vậy mà mọi phương diện sinh hoạt hàng ngày của họ đều được chăm lo vô cùng cẩn thận.

Bữa ăn của các hoàng đế Trung Hoa

Không như chúng ta vẫn thường tưởng tượng, các hoàng đế với cuộc sống ở Tử Cấm Thành không đến mức quá xa hoa như đồn đại.


Chế độ ăn của hoàng đế chủ yếu bao gồm thịt lợn, thịt cừu, cá và rau xanh. (Ảnh minh họa)

Ở mỗi triều đại, Hoàng đế là đại diện lớn nhất của quốc gia nhưng họ cũng không hề ăn uống tiệc tùng xa hoa thường xuyên. Ngược lại, chế độ ăn uống của các Hoàng đế thường được cân bằng và đơn giản đến đáng ngạc nhiên.

Cả hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh đều ăn theo cùng một nguyên tắc: Chế độ ăn uống phải tăng cường sức khỏe.

Nhà bếp hoàng gia bao gồm ba phần: Bếp chính, bếp trà và bếp làm đồ tráng miệng ngọt. Mỗi bếp có một đầu bếp chính và 5 đầu bếp phụ, một người giám sát và một người phụ trách việc mua sắm cũng như theo dõi các nguồn cung cấp.

Thực đơn luôn mang tên đầu bếp nấu để các món ăn có thể dễ dàng được sắp xếp lại và có thể quy trách nhiệm nếu có sự cố gì xảy ra. Công thức nấu ăn của hoàng gia về cơ bản là các phiên bản tinh vi của các bữa ăn được dân thường yêu thích.

Chế độ ăn của hoàng đế chủ yếu bao gồm thịt lợn, thịt cừu, cá và rau xanh. Thực đơn được đề xuất trước cho mỗi bữa ăn và trình lên quan chức đứng đầu nhà bếp để phê duyệt. Mỗi thực đơn đều phải được lưu trữ lại.

Đồ ăn thừa của Hoàng đế được xử lý ra sao?

Nhà Thanh là vương triều cuối cùng của Trung Quốc, cũng là giai đoạn các chuẩn mực được áp đặt cho Hoàng đế một cách nghiêm ngặt nhất. Điều này cũng dễ hiểu vì không vị Hoàng đế nào muốn cuộc sống của mình lại thua kém vua đời trước.

Hoàng đế nhà Thanh dùng bữa đều tuân theo quy định rõ ràng, mỗi bữa có đến hơn 120 món ăn. Phương pháp chế biến có yêu cầu rất cao, bắt buộc phải đầy đủ 3 yếu tố: Màu sắc, mùi thơm và hương vị. Không cần biết quá trình chế biến cầu kỳ đến mức nào, thành phẩm được bày biện trên bàn trước mặt Hoàng đế phải chỉn chu đến từng chi tiết.

Đương nhiên cũng có một vài vị Hoàng đế cảm thấy cách ăn uống này lãng phí. Khang Hi đế và Càn Long đế đã giảm số lượng món trong mỗi bữa ăn của mình xuống còn lần lượt là 64 và 48 món. Tuy nhiên, con số này vẫn rất nhiều, nhưng nếu so với bậc Cửu ngũ chí tôn thì đã được xem là tiết kiệm.

Hoàng đế một mình ăn 120 món thường không hết, thậm chí nhiều món còn không được động đến. Mỗi món có thể cũng chỉ được dùng 3 miếng. Nhưng không vì thế số món trong mỗi bữa bị ít đi, mà vẫn phải duy trì đầy đủ.


Những món sơn hào hải vị còn thừa lại sau mỗi bữa ăn của nhà vua dù cho có đến tay cung nữ, thái giám thì đa số họ đều không ăn mà dùng chúng vào một mục đích khác. (Ảnh minh họa)

Hậu thế không khỏi nảy sinh thắc mắc: Mỗi bữa ăn của các vị vua thời xưa đều bao gồm các món ngon được tuyển lựa và chế biến kỹ càng, trong khi đó, mỗi món lại chỉ ăn không quá vài gắp, vậy lượng thức ăn thừa không nhỏ sau mỗi bữa sẽ được xử lý như thế nào?

Trên thực tế, số thức ăn này rất ít khi bị đổ bỏ, bởi các vị Thiên tử thời bấy giờ đa số đều coi trọng việc tiết kiệm. Theo Qulishi, lượng thức ăn còn dư lại trong mỗi bữa ngự thiện của Hoàng đế sẽ được xử lý theo 2 cách phổ biến dưới đây.

Một là, ban thưởng cho các phi tần hoặc quan viên

Đối tượng được ban thưởng các món sơn hào hải vị trong bữa cơm của nhà vua chủ yếu là phi tử hoặc đại thần. Vào thời cổ đại, những vật phẩm thường xuyên được nhà vua thưởng cho quan lại chủ yếu là vàng bạc châu báu. Tuy nhiên trong mắt những quan viên này, số của cải vật chất ấy thậm chí còn không đáng giá bằng một vài món ăn được vua ban.

Bởi lẽ, cổ nhân Trung Hoa cho rằng, lễ nghi cao nhất trong việc mời cơm chính là mời đối phương tới nhà mình ăn cơm. Mà việc Hoàng đế đem món ăn mình dùng ban thưởng cho các đại thần dưới trướng lại được xem là một ân huệ vô cùng lớn.

Hai là, để cung nữ, thái giám tiến hành "tiêu thụ"

Có lẽ không ít các vị Hoàng đế thời xưa đều không hề biết tới phương thức xử lý thức ăn thừa vô cùng đặc biệt này. Trên thực tế, nếu những món ăn kia không được ban thưởng đích danh cho người nào, chúng sẽ trở thành mục tiêu tranh giành của các cung nữ, thái giám trong hoàng cung.

Tuy nhiên, những đối tượng này không tranh đoạt các món sơn hào hải vị ấy để ăn. Thay vào đó, họ sẽ lén lút cất giấu các món ăn thừa của nhà vua rồi âm thầm mang ra bên ngoài cung để bán cho các tửu điếm lớn.

Hoàng đế mỗi bữa cũng chỉ ăn vài miếng, có món gần như còn không đụng đũa, nên người bình thường căn bản đều không nhìn ra được đó là cơm thừa. Hơn nữa, tài nghệ của các đầu bếp trong hoàng cung vốn ít ai có thể so bì. Vậy nên những món ăn ấy thường được rao bán ở bên ngoài với giá rất cao.

Và ở bên ngoài Tử Cấm Thành, một vài quán rượu cố ý thu thập những thứ bị xem là "cơm thừa canh cặn" của Hoàng đế, sau đó nghiên cứu cách thức chế biến để làm ra một phần khác, rồi tuyên bố với thiên hạ đây là món mà Thiên tử từng dùng qua. Kết quả là, chỉ cần có một chút liên quan với nhà vua, bách tính thường dân đều cho đấy là phúc phần khó mà có được. Vì vậy, dù món ăn có giá cao bao nhiêu, không ít người vẫn sẽ giành mua cho bằng được.

Từ đó có thể thấy, những thứ bị Hoàng đế xem là "cơm thừa canh cặn" đã trở thành sản phẩm chủ chốt của một đường dây mua bán ăn nên làm ra vào thời cổ đại.

Cập nhật: 04/08/2024 DSPL/PNVN
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video