Độc lạ một nước vẫn mới năm 2016 khi cả thế giới đã 2024

Với cách tính ngày tháng và giờ rất khác so với phần lớn thế giới, đất nước này vẫn đang ở năm 2016 trong khi cả thế giới đã ở năm 2024.

Vào ngày 11-9 người dân Ethiopia sẽ kỷ niệm ngày kết thúc một năm và bắt đầu một năm mới. Tuy nhiên, khi Ethiopia bước sang năm mới vào tháng 9 tới thì theo lịch của người Ethiopia, họ chỉ mới sang năm 2017, theo đài CNN.

Tại sao Ethiopia – quốc gia đông dân thứ hai ở châu Phi, lại “đi sau” phần lớn thế giới tới 7 năm 8 tháng? Cách tính ngày tháng đó tác động như thế nào đến người dân Ethiopia?


 Người dân Ethiopia bắt đầu năm mới vào khoảng tháng 9 dương lịch. (Ảnh: CNN Lịch độc đáo).

Lịch độc đáo

Ở Ethiopia, năm sinh của Chúa Giêsu được công nhận muộn hơn 7 hoặc 8 năm so với lịch Gregory, hay dương lịch, lịch “phương Tây”, do Giáo hoàng Gregory XIII đưa ra vào năm 1582. Mặc dù phần lớn thế giới đã áp dụng lịch Gregory, nhưng Ethiopia vẫn giữ nguyên lịch của riêng họ.

Ông Eshetu Getachew – Giám đốc điều hành của công ty du lịch Rotate Ethiopia Tours And Travel – cho biết: “Chúng tôi là duy nhất. Chúng tôi [chưa bao giờ] bị thuộc địa hóa. Chúng tôi có lịch riêng của mình. Chúng tôi có bảng chữ cái riêng của chúng tôi. Chúng tôi có truyền thống văn hóa riêng của mình”.

Lịch của người Ethiopia được cho là đã ra đời hơn 1.500 năm trước. Lịch này có 13 tháng, trong đó 12 tháng kéo dài 30 ngày. Tháng cuối cùng chỉ có 5 ngày, hoặc 6 ngày trong năm nhuận.

Do các doanh nghiệp quốc tế và trường học quốc tế tại Ethiopia thường dùng lịch Gregory, nhiều người Ethiopia không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng đồng thời cả lịch truyền thống của Ethiopia và lịch phương Tây.

“Điều đó rất khó khăn. Tôi vẫn không thể chuyển sang một loại lịch được. Đó thực sự là một thách thức” – ông Goitom W. Tekle, nhà khảo cổ học người Ethiopia, cho biết.

Ông Tekle cho biết một số tổ chức phải tiếp tục chuyển đổi giữa hai loại lịch, kết hợp cả ngày tháng theo lịch phương Tây và lịch Ethiopia, đặc biệt là khi làm việc giữa những người Ethiopia ở khu vực nông thôn và những người Ethiopia ở nước ngoài.

Ngoài ra, việc thực hiện những thủ tục hành chính đơn giản như làm giấy khai sinh cũng gặp nhiều trở ngại.

Nhà sử học người Đức Verena Krebs – chuyên nghiên cứu về lịch sử châu Âu và châu Phi – cho biết: “Giả sử bạn dẫn một em bé 3 tuổi làm giấy khai sinh tại TP hoặc chính quyền địa phương ở Ethiopia. Sau đó, bạn khai theo hệ thống thời gian của Ethiopia và tin rằng nhân viên làm thủ tục sẽ chuyển đổi thời gian đúng sang lịch Tây. Tuy nhiên, vì một số sai sót, số tuổi của bé có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba”.


 Một tháp đồng hồ ở Ethiopia. (Ảnh: GETTY IMAGES).

Theo bà Krebs, lịch truyền thống của Ethiopia không phải là lịch đặc biệt duy nhất.

Theo đó, Saudi Arabia có truyền thống ưu tiên sử dụng lịch Hijri gồm 12 tháng (gồm 354 ngày). Tuy nhiên, gần đây, nước này đã chấp thuận việc sử dụng dương lịch cho các giao dịch chính thức.

Trong khi đó, lịch Do Thái là lịch chính thức của Israel.

Cách tiếp cận "hợp lý"

Nhiếp ảnh gia Abel Gashaw là một trong số nhiều người Ethiopia thích nghi với việc sử dụng cả hai loại lịch. Tuy nhiên, ông Gashaw thừa nhận rằng ông thích lịch của Ethiopia hơn vì nó “hợp lý hơn”, đặc biệt là khi đề cập thời điểm đầu năm.

Năm mới tại Ethiopia gọi là “Enkutatash”, có nghĩa là “món quà trang sức” trong tiếng Amharic của người Semitic ở Ethiopia. “Enkutatash” diễn ra vào cuối mùa mưa.

“Đó là một khởi đầu mới đối với chúng tôi. Sau đó, lượng mưa giảm dần và mọi nơi bạn đến đều rất xanh” – ông Gashaw cho biết.

Ông Gashaw cho rằng việc tổ chức lễ mừng năm mới vào ngày 1-1 (theo lịch phương Tây) không có ý nghĩa gì ở Ethiopia vì ngày này rơi vào mùa khô.

“Tôi biết đây là một ngày tồi tệ đối với thế giới [ám chỉ vụ tấn công ngày 11-9-2001] ở Mỹ. Nhưng năm mới của người Ethiopia bắt đầu vào ngày đó hàng năm” – ông Gashaw nói.

Không chỉ ngày tháng, cách tính giờ của người Ethiopia cũng rất khác.

Ethiopia sử dụng hệ đếm giờ 12 giờ, khác với cách tính giờ 24 giờ phổ biến hiện nay. Hệ thống giờ của họ bắt đầu từ lúc bình minh và kết thúc vào lúc hoàng hôn. Theo đó, thời điểm người dân Ethiopia gọi là 1 giờ ban ngày tương đương lúc 7 giờ sáng ở nhiều nước khác.

Ông Gashaw giải thích rằng điều này phản ánh cuộc sống ở Ethiopia khi số giờ ban ngày ở đất nước này khá ổn định, do nằm gần xích đạo. Ông Gashaw cho rằng đây là một cách tính hợp lý hơn cách tính 24 giờ.

“Thành thật mà nói, tôi không biết tại sao giờ châu Âu lại thay đổi vào lúc nửa đêm. Bởi vì mọi người đều ngủ” - theo ông Gashaw.


 Nhà thờ ở thị trấn Lalibela (Ethiopia). (Ảnh: GETTY IMAGES).

Tuy nhiên, cách tính này cũng có nhiều bất tiện.

“Khi tôi mua vé máy bay, các hãng hàng không sử dụng lịch châu Âu nên tôi kiểm tra lại 3 hoặc 4 lần để chắc chắn thời gian của mình” – ông Gashaw kể.

Ông Gashaw từng trượt một kỳ thi do vắng, vì khi ấy, lịch học của ông được tính theo cách tính 24 giờ. Trong khi đó, ông bị nhầm lẫn rằng lịch thi tính theo giờ Ethiopia.

“Khi họ nói 2 giờ [chiều], tôi nghĩ đó là giờ Ethiopia, nghĩa là vào buổi sáng [theo cách tính của người Ethiopia]. Vì vậy, khi tôi đi đến phòng thi thì không có ai ở đó cả. Khi ấy, tôi nghĩ ngày kiểm tra đã bị hủy” – ông Gashaw cho biết.

Cập nhật: 24/06/2024 PLO
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video