Động đất Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra vết nứt dài 300km

Trận động đất mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2 đã khiến vỏ Trái đất xuất hiện 2 vết nứt khổng lồ dài tới 300km gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria.


Hai vết nứt xuất hiện sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ trong ảnh chụp từ vệ tinh Sentinel-1. (Ảnh: COMET).

Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm quan sát và lập mô hình động đất, núi lửa và mảng kiến tạo Anh (COMET) phát hiện vết nứt thông qua so sánh ảnh chụp khu vực gần vùng ven biển Địa Trung Hải của vệ tinh quan sát Trái Đất Sentinel-1 trước và sau thảm họa động đất. Vết nứt dài hơn trải rộng 300 km theo hướng đông bắc từ biển Địa Trung Hải. Vết nứt được tạo ra bởi trận động đất mạnh 7,8 độ diễn ra vào 4h17 ngày 6/2 giờ địa phương (8h17 ngày 6/2 theo giờ Hà Nội). Vết nứt thứ hai dài 125 km mở ra sau trận động đất 7,5 độ xảy ra sau đó khoảng 9 giờ, theo thông báo hôm 10/2 của COMET trên mạng xã hội Twitter.

Theo giáo sư Tim Wright, trưởng nhóm ở COMET, những vết nứt như vậy thường xuất hiện sau các trận động đất mạnh. Tuy nhiên, hai vết nứt này dài khác thường. Đó là minh chứng cho năng lượng khổng lồ mà động đất giải phóng. "Động đất càng lớn, đứt gãy càng lớn và càng trượt nhiều hơn. Đứt gãy động đất này là một trong những vết nứt dài nhất trong lịch sử lục địa. Thật bất thường khi hai trận động đất lớn như vậy xảy ra chỉ cách nhau vài giờ", Wright nhận xét.

Chuyển động của mảng kiến tạo gây ra động đất mạnh đến mức các vết nứt có thể nhìn thấy rõ trên mặt đất, chạy qua nhiều thị trấn và cắt thẳng qua một số tòa nhà. Nhiều nhà khoa học địa phương cũng chia sẻ ảnh chụp vết nứt trên mặt đất, xác nhận những gì vệ tinh quan sát từ vũ trụ.


Vết nứt chạy qua thị trấn Hassa. (Ảnh: Ozdemir Alpay)

Khu vực phía bắc Cyprus thường xuyên trải qua động đất mạnh do 3 mảng kiến tạo Anatolia, Arab và châu Phi giao nhau tại đây, tạo ra áp suất khi va chạm vào nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trận động đất vừa qua rất đáng chú ý với cường độ và quy mô thiệt hại. Gần 24.000 người tử vong và nhiều nạn nhân vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát trong khi công tác cứu hộ diễn ra chậm, đặc biệt ở Syria, đất nước bị tàn phá bởi xung đột vũ trang suốt nhiều năm qua. Ở các thành phố Thổ Nhĩ Kỳ như Türkoğlu, Kahramanmaraş và Nurdaği, hàng nghìn tòa nhà sụp đổ, khiến vô số người dân trở thành vô gia cư.

Sau trận động đất, vệ tinh do các cơ quan chính phủ và công ty tư nhân vận hành đang đánh giá thiệt hại. Theo NASA, trận động đất diễn ra dọc theo đường đứt gãy ở độ sâu 18 km bên dưới mặt đất. Tâm chấn nông có nghĩa rung động lan tỏa với lực dữ dội, trải rộng hàng trăm kilomet từ tâm chấn. Theo Eric Fielding, nhà khoa học địa lý ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, chiều dài vết nứt và cường độ của trận động đất này tương tự trận động đất năm 1906 phá hủy San Francisco.

Cập nhật: 13/02/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video