Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu mới thì việc điều trị bằng thuốc có thể giúp kéo dài sự sống và cải thiện vận động ở chuột thí nghiệm bị chứng teo cơ do tủy sống (SMA). Cuộc nghiên cứu này được tiến hành tại Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quị (NINDS) thuộc Viện Y tế Quốc gia (NIH) của Mỹ và đã đưa ra giả thuyết rằng trong tương lai các loại thuốc tương tự có thể sẽ giúp ích trong việc điều trị chứng SMA ở người.
Bác sĩ Kenneth H. Fischbeck thuộc NINDS cho biết: “Cuộc nghiên cứu này cho thấy việc điều trị có thể có hiệu quả nếu bắt đầu điều trị sau khi căn bệnh xuất hiện.” Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng là vì hầu hết các trẻ bị SMA thường được chẩn đoán bệnh mãi sau khi các triệu chứng đã trở nên quá rõ ràng. Báo cáo về cuộc nghiên cứu này đã được đăng trên bản tin điện tử của tập san The Journal of Clinical Investigation vào ngày 22 tháng 2 năm 2007.
SMA là chứng bệnh thần kinh di truyền nặng thường gặp nhất ở trẻ em. Cứ trong 8.000-10.000 trẻ thì có một trẻ mắc bệnh này. Các trẻ mắc dạng thường gặp nhất của bệnh này, được gọi là SMA típ 1, thường có các triệu chứng ngay từ trước khi chào đời hoặc trong vài tháng đầu đời, và thường bị yếu cơ trầm trọng làm cho trẻ khó thở, ăn uống và vận động khó khăn. Các bé này thường qua đời khi được 2 tuổi. Các dạng khác của SMA không trầm trọng như típ 1 nhưng vẫn gây ra tình trạng thiểu năng đáng kể. Mặc dù một số triệu chứng của SMA có thể giảm bớt, nhưng hiện nay chưa có cách điều trị nào có thể làm thay đổi diễn tiến của căn bệnh.
SMA do đột biến gien SMN1 gây ra. Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu về đặc tính di truyền của SMA đã phát hiện ra rằng còn có một gien khác, được gọi là gien SMN2 trên cùng một sắc thể. Trong khi các dạng gien SMN1 bình thường tạo ra các protein chức năng có độ dài như thường lệ thì hầu hết các protein do gien SMN2 tạo ra đều bị ngắn hơn và không thể thực hiện chức năng của nó. Chỉ một lượng tương đối nhỏ các protein SMN bình thường do gien SMN2 tạo ra cũng có thể giúp làm giảm bớt tình trạng trầm trọng của bệnh này. Vì vây, các nhà nghiên cứu đang tiến hành nghiên cứu các loại thuốc giúp làm tăng lượng protein bình thường do gien SMN2 tạo ra.
Cuộc nghiên cứu mới này do bác sĩ Charlotte J. Sumner thuộc NINDS, đồng nghiệp của bác sĩ Fischbeck chỉ đạo, và đã thử nghiệm một loại thuốc có tên Trichostatin A (TSA) thuộc nhóm thuốc ức chế histone deacetylase (HDAC). Nhóm thuốc này có tác dụng làm tăng hoạt động của một số gien trong cơ thể.
Các cuộc nghiên cứu trước đây cho thấy rằng các thuốc ức chế HDAC có thể làm tăng sự biểu hiện gien SMN2 trong các tế bào được cấy, và việc dùng thuốc ức chế HDAC để điều trị chuột mang thai có thể kéo dài sự sống của chuột con sinh ra bị SMA. Các thử nghiệm lâm sàng ban đầu đang được tiến hành nhằm thử nghiệm thuốc ức chế HDAC trên trẻ em bị SMA. Tuy nhiên, thuốc dùng trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng này là những thuốc ức chế HDAC nhẹ, có những tác dụng sinh học có thể làm giới hạn các đặc tính hữu dụng của thuốc trong việc điều trị bệnh này. Điều quan trọng hơn cả là trước đây chưa từng có cuộc nghiên cứu nào chứng minh rằng thuốc ức chế HDAC có thể kéo dài sự sống nếu thuốc này được sử dụng sau khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Trong cuộc nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm TSA, một chất ức chế HDAC mạnh, trên các tế bào lấy từ bệnh nhân SMA và trên chuột bị SMA. Họ phát hiện rằng thuốc này giúp làm tăng sự hoạt động của gien SMN2 ở cả các tế bào được cấy cũng như ở chuột thí nghiệm.
Hai con chuột bị khiếm khuyết gien tương tự như ở người mắc bệnh tế bào thần kinh vận động được gọi là bệnh teo cơ do tủy sống. Cả hai con chuột đều được 11 ngày tuổi. Con bên trái được điều trị bằng thuốc Trichostatin A có tác dụng làm tăng hoạt động của một số gien. Con bên phải không được điều trị bằng thuốc này. Con được điều trị có thể đứng thẳng và đỡ được trọng lượng của mình trên các chân. Còn con kia thì nhỏ hơn do bị ảnh hưởng của căn bệnh, nó không thể đi lại bình thường và không đỡ được sức nặng của thân mình. (Ảnh: NIH) |
Sau đó, khi chuột con được 5 ngày tuổi, là khi chuột đã có biểu hiện các triệu chứng của căn bệnh rõ ràng như thiếu cân đáng kể và không có phản xạ giữ thăng bằng, hoặc không thể tự đứng được sau khi bị đặt nằm ngửa, các nhà nghiên cứu bắt đầu tiêm thuốc TSA mỗi ngày cho chuột bị SMA. Những con chuột được điều trị bằng TSA sống lâu hơn trung bình 19% so với chuột không được điều trị. Khoảng ¾ số chuột được điều trị có sự sống được cải thiện so với nhóm chuột đối chứng. ¼ còn lại không có dấu hiệu cải thiện nào.
Chuột được điều trị bị giảm cân ít hơn và có phản xạ thăng bằng, khả năng đi và sức nắm giữ của chân trước tốt hơn so với chuột không được điều trị. Kết quả kiểm tra cho thấy chuột được điều trị bằng TSA còn có nhiều tế bào thần kinh trong tủy sống hơn, các sợi cơ dày hơn và khối cơ cũng nhiều hơn so với chuột không được điều trị,
Bác sĩ Sumner cho biết: “Đây là một thử nghiệm giúp chứng minh cho khái niệm. Thử nghiệm này chứng minh rõ ràng là phương pháp điều trị này có thể giúp cải thiên tình trạng của căn bệnh trên chuột.” Bà cảnh báo rằng mặc dù kết quả nghiên cứu này có tính hấp dẫn, nhưng vẫn chưa có cuộc nghiên cứu nào chứng tỏ hiệu lực của thuốc ức chế HDAC ở người.
Bác sĩ Sumner cho biết: Các nhà nghiên cứu hiện đang thử nghiệm xem liệu điều trị bằng TSA sớm hơn trong tiến trình của căn bệnh sẽ có tác dụng tốt hơn là điều trị muộn hay không. Họ cũng dự định thử nghiệm các thuốc ức chế HDAC khác ở chuột và nghiên cứu một cách chính xác về việc các thuốc này ảnh hưởng đến diễn tiến của căn bệnh ra sao. Trong khi việc sản xuất TSA rất tốn kém và thuốc này chưa được chấp thuận cho sử dụng lâm sàng thì các thuốc tương tự được phát triển để chữa ung thư và các bệnh khác cũng có thể có ích trong điều trị SMA.
Hồng Lĩnh