Giới game thủ đang giúp các nhà nghiên cứu giải đáp những bí mật lâu nay trong khoa học, từ đó mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực di truyền học.
Game thủ trên toàn thế giới đang dành không ít thời gian ngồi trước màn hình chơi game. Đối với nhiều người, đến năm 21 tuổi tổng số giờ chơi game trung bình của họ có thể lên đến 10.000 giờ, theo thống kê của nhà thiết kế game Jane McGonigal đăng trên website Huffington Post.
Chỉ tính riêng tại Mỹ đã có khoảng 183 triệu game thủ, họ dành phần lớn thời gian trên game để đánh bại những quái vật trong truyền thuyết, bắn nhau với người ngoài hành tinh và giải cứu công chúa khỏi lâu đài bị nguyền rủa. Trước nay, người ta luôn nghĩ rằng game là một hình thức giải trí tốn thời gian, vô bổ mà chẳng mang ích lợi gì hết. Tuy nhiên, khá bất ngờ khi chuyên gia McGonigal dẫn kết quả nghiên cứu khẳng định rằng thật ra game là một trong những biện pháp sử dụng thời gian hữu ích nhất đối với con người.
Chuỗi RNA trong game
Không những ủng hộ ý kiến trên, nhà khoa học máy tính Adrien Treuille của Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) còn nghĩ ra cách tận dụng sự sáng tạo và sức làm việc miệt mài của giới game thủ trong việc giải đáp những bí ẩn của khoa học. Ông là nhà sáng tạo 2 trò chơi trực tuyến Foldit và EteRNA, với mục tiêu biến những điều bí ẩn nhưng cực kỳ nhàm chán trong khoa học thành những nhiệm vụ khó nuốt và đầy thách thức trong game. Kết quả thực sự gây sửng sốt: cộng đồng game thủ Foldit và EteRNA (khoảng 430.000 người) đã liên tục có những khám phá vượt quá sự hiểu biết của giới khoa học và các siêu máy tính trong lĩnh vực tìm hiểu quá trình gấp cuộn của chất đạm (protein folding) và tổng hợp RNA (RNA synthesis).
Ví dụ, hồi đầu tháng 9, người chơi trò Foldit đã giúp giải mã bí ẩn về các protein, cụ thể là giải mã cấu trúc của một enzyme có liên quan đến AIDS, điều mà cộng đồng khoa học bó tay trong suốt 1 thập niên. Kết quả này sẽ làm tiền đề cho những cuộc nghiên cứu sâu hơn đối với HIV/AIDS. Công trình “nghiên cứu” của họ đã được đăng tải trên chuyên san Nature.
Tất nhiên game thủ biết được họ đang nhúng tay vào đề án khoa học, nhưng vì game được thiết kế để giải trí nên họ chẳng ngại ngần gì mà không chơi thử. Và càng chơi họ lại càng thích, giống như chơi trò Lego vậy, theo CNN dẫn lời giải thích của chuyên gia Treuille. Nói cho dễ hiểu, game thủ dạy cho các nhà khoa học và máy tính cách xây dựng các mã di truyền theo hướng hợp lý nhất. Ai tạo ra protein mà mất ít năng lượng nhất thì được thưởng điểm. Còn ở trò EteRNA, một phòng thí nghiệm của Đại học Stanford sẽ dựng lên hình ảnh của những chuỗi RNA mà người chơi đã tạo nên trong khi chơi game.
Chuyên gia Treuille khẳng định ông tin tưởng rằng game có thể góp phần gây ảnh hưởng tích cực đối với nhân loại và từ đó giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. “Và tôi nghĩ chúng ta chỉ mới chạm đến bề mặt của khả năng đó”, nhà khoa học kết luận.