Giải đáp những thắc mắc phổ biến về ung thư

Bác sĩ Ang Peng Tiam và Teoh Tiong Ann từ Trung tâm Ung thư Parkway, giải đáp 11 câu hỏi phổ biến về bệnh ung thư như sau:

Ung thư là gì và bắt đầu thế nào?

Ung thư xảy ra khi các tế bào phân chia không kiểm soát được. Bên cạnh khả năng phát triển và xâm lấn, nó còn có thể lây lan trong nội bộ cơ thể bệnh nhân. Nếu bạn có một khối u nằm ở một chỗ thì không nguy hiểm. Nhưng khối u đó phá hủy các cấu trúc lân cận, lây lan và tấn công các bộ phận khác của cơ thể, nó sẽ đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Sự khác biệt giữa những tế bào bình thường và tế bào ung thư?

Tế bào bình thường phát triển một cách có tổ chức và mỗi ngày, các tế bào mới thay thế tế bào cũ trong một quá trình tái sinh bình thường. Các tế bào ung thư tăng trưởng một cách vô tổ chức và không cần biết tới các cấu trúc lân cận xung quanh nó. Chúng có khả năng ăn vào các khu vực lân cận và thâm nhập hoặc lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.

Tóm lại. tất cả tế bào bình thường của cơ thể con người phát triển một cách trật tự và tuân theo các quy tắc. Các tế bào ung thư thì không theo quy tắc nào. Chúng giải phóng các chất ức chế cho phép tế bào ung thư làm bất cứ điều gì chúng muốn.

Nguyên nhân gây ung thư

Một số bệnh ung thư không rõ nguyên nhân, song một số khác thì có thể xác định được. Chẳng hạn bệnh ung thư phổi, nguyên nhân số 1 ở phần lớn bệnh nhân nam là khói thuốc lá. Khói thuốc chứa chất gây ung thư phá hủy mô phổi và trong quá trình tái sinh sẽ hình thành một số tế bào bất thường. Những tế bào bất thường này có khả năng biến đổi thành tế bào ung thư. Trong các loại ung thư khác như ung thư gan, đến 90% bệnh nhân ung thư gan có liên quan đến viêm gan B hoặc C.

Ưng thư do di truyền hay cách sống của chúng ta?

Phần lớn bệnh nhân ung thư không có tiền sử gia đình bị bệnh này. Vì vậy, không thể nói rằng ung thư là hoàn toàn do gene. Trên thực tế rất nhiều bệnh nhân bị ung thư lại khẳng định rằng mình không thể nào mắc bệnh được vì không có tiền sử gia đình bị ung thư. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm.

Mặc dù vậy trong các yếu tố nguy cơ của ung thư vẫn có tính di truyền. Nếu mẹ, em gái hoặc chị của bạn bị ung thư vú thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cao hơn bình thường. Tuy nhiên những người không có tiền sử gia đình bị ung thư vú vẫn có thể bị bệnh này.


Yếu tố bên ngoài làm cho số lượng người mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng.

Có sự khác biệt giữa di truyền bệnh và di truyền gene. Di truyền bệnh có nghĩa là cha mẹ có bệnh và truyền lại cho con. Trên thực tế, nhiều trường hợp con cái có các gene bệnh nhưng cha mẹ của họ không có bệnh. Các nhà nghiên cứu tin rằng các yếu tố bên ngoài như môi trường, thực phẩm, ô nhiễm, tập thể dục, hút thuốc lá... làm cho số lượng người mắc bệnh ung thư ngày càng gia tăng.

Cách chúng ta ăn hay sống có mối quan hệ thế nào với ung thư?

Ở những nước kém phát triển, tỷ lệ mắc bệnh ung thư thấp hơn. Trong khi một số quốc gia trở nên giàu có hơn thì tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng lên. Tại Ấn Độ, tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú và ung thư ruột kết rất thấp, trong khi tại châu Mỹ cứ 8 phụ nữ thì có một người đối diện với nguy cơ ung thư vú. Các chuyên gia tin rằng thực trạng này có liên quan đến yếu tố môi trường, chế độ ăn uống, ô nhiễm, stress, béo phì... Vì vậy, cần giải quyết các yếu tố nguy cơ này thì tỷ lệ ung thư mới giảm xuống.

Ung thư được chẩn đoán như thế nào? Phát hiện sớm mang lại lợi ích gì?

Bệnh nhân ung thư được chẩn đoán theo hai cách. Nhóm thứ nhất, những người có và không có biểu hiện triệu chứng, chỉ bị ho dai dẳng hoặc thấy máu trong phân. Họ tìm đến bác sĩ để làm một số xét nghiệm và phát hiện ung thư. Nhóm thứ hai, những người không có triệu chứng, cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, bỗng dưng phát hiện mắc ung thư trong đợt kiểm tra sức khỏe hằng năm.

Thông thường ở nhóm thứ hai những người vô tình phát hiện bệnh ung thư có thể vẫn còn ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, dù cho là loại ung thư gì, nếu bệnh nhân được chẩn đoán càng sớm, cơ hội chữa trị sẽ tốt hơn.

Thông thường, ung thư giai đoạn đầu không có triệu chứng, không gây đau nên bệnh nhân không biết đến sự tồn tại của các tế bào ác tính. Trong khi một số bệnh nhân vì sợ nên không dám thừa nhận và không đi khám. Một số khác lại nghĩ rằng ung thư không chữa được nên không tìm đến bác sĩ. Theo thống kê, cứ 10 bệnh nhân ung thư mới phát hiện thì có 7 ca bị ở đoạn muộn, tức là giai đoạn 3 hoặc 4.

Bác sĩ Ang Peng Tiam từng gặp rất nhiều người có quan niệm sai lầm rằng ung thư phải gây đau đớn, vì vậy, họ khẳng định "Nếu tôi không bị đau, thì tôi không bị ung thư". Trong khi đó, các dấu hiệu của ung thư như ho hoặc máu trong phân là triệu chứng rất phổ biến, do vậy rất nhiều người bỏ qua các triệu chứng này. Qua đây, bác sĩ khuyên mọi người nếu bị một triệu chứng bất thường nào đó, uống thuốc vẫn không thuyên giảm thì nên đi khám bác sĩ.


Sự khác nhau giữa tế bào bình thường và ung thư. (Ảnh: bacdaihung).

Điều gì xảy ra nếu các tế bào ung thư đã lan rộng?

Đó là tin xấu. Khi ung thư được giới hạn ở vị trí ban đầu của nó, đó là một loại ung thư cục bộ, lựa chọn tốt lúc này là phẫu thuật loại bỏ. Một khi ung thư đã lan rộng thì phải điều trị bằng phương pháp hóa trị.

Làm thế nào để điều trị ung thư ở các giai đoạn khác nhau?

Tùy vào loại ung thư và giai đoạn bệnh mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Một số bệnh ung thư được điều trị bằng hóa trị, một số khác cần phẫu thuật hoặc kết hợp. Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ phẫu thuật sẽ hội chẩn và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Có mối tương quan nào giữa sự căng thẳng và ung thư?

Dù chưa có cơ sở chứng minh luận điểm này, song các chuyên gia tin rằng sự căng thẳng góp phần gây ra ung thư. Vì vậy, một người muốn có sức khỏe tốt thì không chỉ là khỏe mạnh về thể chất mà còn ở tinh thần và đời sống tâm linh.

Ung thư bây giờ khác ngày trước ra sao?

Trong quá khứ, khi bị ung thư có nghĩa là đã kết thúc. Ngày nay ung thư có thể chữa trị được. Trong khi đó, sự lạc quan và thái độ sống của bệnh nhân có ý nghĩa rất lớn quyết định hiệu quả điều trị.

Có bao nhiêu phương pháp điều trị?

Lựa chọn điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormone, điều trị trúng đích hoặc miễn dịch. Có rất nhiều lựa chọn điều trị, đôi khi được sử dụng kết hợp, điều này phụ thuộc rất nhiều vào loại ung thư và các giai đoạn của bệnh.

  • Phẫu thuật được sử dụng để loại bỏ các khối u đặc. Trong trường hợp ung thư chưa lan rộng, phẫu thuật có thể chữa khỏi bệnh.
  • Xạ trị: Sử dụng bức xạ để tấn công các tế bào ung thư.
  • Hóa trị: Dùng thuốc tiêu diệt các tế bào đang phân chia, chẳng hạn như tế bào ung thư.
  • Liệu pháp hormone được sử dụng cho các bệnh ung thư đáp ứng với hormone. Ví dụ trong bệnh ung thư tuyến tiền liệt, bệnh nhân có thể dùng phương pháp điều trị này để ngăn chặn sản xuất hormone testosterone nam giới.
  • Liệu pháp trúng đích nhắm vào những thay đổi di truyền cụ thể hoặc phân tử đáng chú ý trong tế bào ung thư. Trong một số trường hợp, nó cung cấp kết quả điều trị tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn hóa trị liệu truyền thống.
  • Liệu pháp miễn dịch: Sử dụng thuốc kích thích hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để tấn công các tế bào ung thư.

Ưu điểm và nhược điểm của từng phương án điều trị?

  • Phẫu thuật: Có thể chữa khỏi bệnh cho ung thư vú giai đoạn sớm. Có thể sau đó một số bệnh nhân cần thêm các liệu pháp khác để kéo dài thời gian sống. Như trong bất kỳ loại phẫu thuật nào, bệnh nhân phải đủ sức khỏe cho ca phẫu thuật và cần có một thời gian để các vết thương hồi phục.
  • Xạ trị: Tác dụng phụ của xạ trị thường gần các khu vực mục tiêu. Tùy thuộc vào liều lượng và loại xạ trị, da có thể cảm thấy đau. Đôi khi các cơ quan lân cận có thể bị kích ứng bởi bức xạ. Điều quan trọng là thảo luận với bác sĩ xạ trị điều trị để biết tác dụng phụ sẽ thay đổi như thế nào theo các kỳ xạ trị.
  • Hóa trị: Tấn công các tế bào ung thư đang phát triển nhanh. Tuy vậy, phương pháp này có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bệnh nhân do làm giảm số lượng tế bào bạch cầu. Nếu số lượng tiểu cầu hạ xuống, bệnh nhân có nguy cơ bị chảy máu cao. Một số loại thuốc hóa trị có thể gây buồn nôn, ói mửa, rụng tóc. Các tác dụng phụ được tiên lượng dựa vào loại thuốc hóa trị. Bệnh nhân cần thảo luận điều này với bác sĩ chuyên khoa ung thư để lựa chọn kế hoạch điều trị phù hợp.
  • Liệu pháp trúng đích và liệu pháp miễn dịch thường có ít tác dụng phụ hơn so với hóa trị liệu. Song cũng cần bàn thảo với bác sĩ đang điều trị vì càng có nhiều loại thuốc khác nhau có thể càng có nhiều tác dụng phụ.

Lưu ý: Liệu pháp tế bào gốc thường được sử dụng trong điều trị ung thư máu. Nghiên cứu cho thấy khi bệnh nhân ung thư máu (ví dụ bệnh bạch cầu) cần hóa trị với liều lượng rất cao sẽ quét sạch các tế bào gốc khỏe mạnh trong cơ thể. Để khắc phục vấn đề này, bệnh nhân có thể được nuôi cấy tế bào gốc, với các tế bào gốc được thu hồi từ máu hoặc tủy xương và các tế bào gốc khỏe mạnh được truyền trở lại sau khi hóa trị liều cao.


Dù tác dụng phụ nào, điều quan trọng là phải có một chế độ ăn uống lành mạnh và luôn lạc quan.

Làm thế nào có thể khắc phục tác dụng phụ sau khi điều trị?

Dù tác dụng phụ nào, điều quan trọng là phải có một chế độ ăn uống lành mạnh và luôn lạc quan. Đặc biệt một số phương pháp điều trị làm suy yếu hệ miễn dịch khiến bệnh nhân có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Hãy nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa ung thư và chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn uống cùng những biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Có cần thiết điều trị bằng liệu pháp kết hợp không?

Sự lựa chọn của liệu pháp kết hợp phụ thuộc rất nhiều vào loại ung thư, giai đoạn bệnh và thể chất của bệnh nhân. Ví dụ đối với ung thư biểu mô vòm họng giai đoạn 3, kết hợp hóa trị xạ trị có thể cải thiện sự sống cao hơn nếu chỉ áp dụng phương pháp xạ trị.

Liệu pháp điều trị mới nhất hiện nay?

Khoa học phát triển không ngừng, ở mỗi thời điểm, các nhà nghiên cứu luôn có những phương pháp điều trị mới phù hợp cho việc điều trị. Chẳng hạn bên cạnh các phương pháp điều trị ung thư truyền thống, liệu pháp trúng đích đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm qua trên thế giới đã ghi nhận kết quả tốt. Liệu pháp miễn dịch được áp dụng với một nhóm nhỏ bệnh ung thư cũng cho thấy hiệu quả trong thời gian dài. Mới hơn nữa là các kỹ thuật miễn dịch hiện đại đã được chứng minh phù hợp với nhiều loại ung thư khác nhau.

Danh sách các phương pháp điều trị và loại ung thư đáp ứng với việc điều trị vẫn tiếp tục tăng thêm. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa ung thư để được tư vấn lựa chọn biện pháp phù hợp.

Liệu pháp mới hơn có phải luôn tốt hơn?

Cũ hay mới không phải luôn tốt hơn. Điều quan trọng lựa chọn kế hoạch điều trị nào phù hợp với từng loại bệnh và mang lại nhiều lợi ích hơn cho bệnh nhân. Do vậy, bạn nên thảo luận với bác sĩ của mình về những lợi ích và tác dụng phụ của điều trị là gì. Sau đó cân nhắc giữa lợi ích và tác dụng phụ của từng liệu pháp để có lựa chọn thích hợp.

Có nên sử dụng các loại thuốc mới đang thử nghiệm để chữa ung thư không?

Các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành để đánh giá những loại thuốc rất mới, thường chưa có sẵn trên thị trường. Một số thử nghiệm để xác định liều lượng thuốc được hấp thu tốt nhất trong cơ thể bệnh nhân. Những thử nghiệm khác so sánh các loại thuốc mới với thuốc tốt nhất có sẵn hiện nay để xem loại nào tốt hơn. Thử nghiệm lâm sàng có thể cung cấp phương pháp điều trị mới nhưng chưa phải là một phần của điều trị chính thống. Nếu muốn sử dụng loại thuốc này, bạn nên thảo luận với bác sĩ điều trị cho mình và bác sĩ phụ trách các thử nghiệm lâm sàng rồi mới đưa ra quyết định.

Lời khuyên để ngăn chặn ung thư

Không có cách nào ngăn ngừa ung thư rõ ràng, song mọi người có thể thay đổi cách sống để giảm thiểu yếu tố nguy cơ gây bệnh. Điều quan trọng là ăn vừa phải, làm việc vừa phải và tập thể dục. Bỏ hút thuốc không chỉ giảm nguy cơ ung thư mà còn cải thiện nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Bác sĩ khuyên mọi người nên ăn một cách điều độ, tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc. Ngoài ra, hãy cố gắng phát hiện ung thư sớm. Phụ nữ trên 40 tuổi nên đi kiểm tra, chụp X-quang vú. Nữ giới đã quan hệ tình dục nên xét nghiệm phết âm đạo. Nam nữ tuổi 50 nên tăng cường khám sàng lọc nội soi và để ý đến những triệu chứng bất thường của cơ thể để đi khám chuyên khoa ngay.

"Nếu bạn có triệu chứng dai dẳng, đừng bỏ qua mà hãy kiểm tra chúng. Ung thư không phải là một bản án tử hình. Sẽ có nhiều cơ hội để chữa ung thư nếu được chẩn đoán sớm", bác sĩ Ang Peng Tiam nói.

Cập nhật: 11/03/2019 Theo VnExpress/tapchimypham
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video