Giải mã bí ẩn về ánh sáng "ma chơi" ở Na Uy

Sự tồn tại của những quả cầu ánh sáng kỳ lạ, bay liệng phía trên một thung lũng ở miền trung Na Uy, đã trở thành câu hỏi hóc búa đối với các nhà khoa học suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tuyên bố vừa giải mã được bí ẩn này.

Được biết đến với tên gọi "hiện tượng Hessdalen", các quả cầu "ma chơi" có thể to tới kích thước của xe hơi và thậm chí thu hút sự chú ý của các thợ săn UFO. Một vài trong số những quả cầu ánh sáng kỳ lạ đó trôi nổi nhẹ nhàng qua bầu trời suốt gần 2 tiếng, trong khi số còn lại lập lòe ánh sáng trắng hoặc xanh dương, dịch chuyển rất nhanh qua thung lũng và biến mất trong vòng vài giây.

Erling Strand, một kỹ sư máy tính thuộc Đại học Ostfold (NA Uy), đã tìm kiếm các đặc điểm vật lý ẩn sau hiện tượng tự nhiên nói trên kể từ năm 1982, khi các màn trình diễn thường xuyên của ánh sáng "ma chơi" thu hút sự quan tâm của cả báo chí và giới khoa học. Ông Strand đã xây dựng Dự án Hessdalen trong một nỗ lực nhằm quy tụ các chuyên gia đang cố gắng giải đáp cách hình thành các quả cầu ánh sáng bí ẩn, cũng như nhanh chóng bác bỏ những giả thuyết cho rằng, ánh sáng bắt nguồn từ máy bay, các phương tiện giao thông hoặc tòa nhà.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy một sự dao động nhỏ về từ trường trong khu vực, trước khi ánh sáng "ma chơi" hình thành, nhưng kết quả đo đạc hoạt động địa chấn và phóng xạ - những yếu tố có thể gây ra hiện tượng - tại khu vực cách thủ đô Oslo 400km về phía bắc này không có gì bất thường.

Một nhóm chuyên gia quốc tế sau đó đã đo kích cỡ, hình dáng và tốc độ của các quả cầu ánh sáng bằng radar và thiết bị phân tích quang phổ để tìm hiểu về các thành tố của ánh sáng. Họ phát hiện, ánh sáng không tạo ra tiếng động, dường như dịu mát và không để lại bất kỳ vết cháy sém nào trên mặt đất giống như sét hòn. Tuy nhiên, các quả cầu ánh sáng đã khử trùng khu vực tiếp xúc, tiêu diệt các vi sinh vật trong đất.

Chuyên gia Jader Monari thuộc Viện Thiên văn radio (Italia) đã nghiên cứu khu vực Hessdalen kể từ năm 1996 và khám phá ra rằng, các tảng đá trong thung lũng giàu kẽm và sắt ở một phía của dòng sông chạy qua nó, và giàu đồng ở phía bên kia. "Nếu có lưu huỳnh trong nước sông ở giữa, tất cả sẽ tạo thành một khối pin hoàn hảo", ông Monari nói.

Cùng với một đồng nghiệp đến từ Đại học Bologna, các nhà khoa học đã sử dụng các mẫu đá để tạo nên một thung lũng thu nhỏ và đặt chúng vào trầm tích sông. Kết quả là, điện chảy giữa 2 phiến đá, đủ để có thể thắp sáng một ngọn đèn.

Tiến sĩ Monari tin rằng, các bong bóng khí ion hóa đã hình thành khi hơi lưu huỳnh từ sông Hesja phản ứng với không khí ẩm ướt của thung lũng. Các đặc điểm địa chất học cũng tạo nên những vệt trường điện từ trong thung lũng, giúp lí giải tại sao các quả cầu ánh sáng lại di chuyển đây đó.

Bjorn Gitle Hauge, một kỹ sư điện tử thuộc Đại học Ostfold, nhận định, năng lượng để khiến các đám mây phát sáng có thể bắt nguồn từ sự tích tụ điện tích.

Hiện có nhiều giả thuyết khác nhằm lý giải hiện tượng Hessdalen. Tuy nhiên, giả thuyết về pin tự nhiên dường như khả thi nhất, dựa trên bằng chứng thực tế hiện có.

Theo Vietnamnet, Daily Mail
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video