Giải mã thành công bí mật về nguồn gốc của Cái Chết Đen

Theo Guardian, các nhà nghiên cứu tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck, Leipzig, Đức, khẳng định họ đã giải đáp được bí ẩn tồn tại gần 700 năm về nguồn gốc của Cái Chết Đen - đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử. Cái Chết Đen là từ dùng để mô tả ảnh hưởng mà đại dịch dịch hạch đã gây ra cho các quốc gia châu Âu, Á, Bắc Phi vào giữa thế kỷ XIV.

Bắt nguồn từ Trung Á

Ít nhất hàng chục triệu người đã chết khi bệnh dịch hạch hoành hành khắp các lục địa. Nguyên nhân trước đây được cho là virus phát tán dọc theo các tuyến đường thương mại. Bất chấp những nỗ lực ráo riết để tìm ra nguồn gốc của làn sóng bùng phát này, trong hàng trăm năm, bằng chứng ít ỏi khiến câu hỏi này bị bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, cách đây ít ngày, nhóm chuyên gia tại Đức đã giải mã thành công bí mật về nguồn gốc của đại dịch chết chóc nhất hành tinh. Phát hiện này được công bố trên tạp chí Nature ngày 15/6.


Vi khuẩn bệnh dịch hạch được chụp từ một bệnh nhân năm 2003. (Ảnh: AFP).

Giáo sư Johannes Krause, Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Leipzig, Đức, cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi đã xác định được nguồn gốc, thời gian và không gian gây ra đợt dịch cách đây 700 năm. Chúng tôi không chỉ tìm thấy tổ tiên của Cái chết đen mà còn là tổ tiên của phần lớn các chủng bệnh dịch đang lây lan trên thế giới ngày nay”.

Nhà sử học Philip Slavin, Đại học Stirling ở Scotland, đồng tác giả, nói: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy Cái Chết Đen bắt nguồn từ Trung Á vào những năm 1330 và lan sang nhiều lục địa”. Họ khẳng định điều này sau khi phát hiện bằng chứng của sự gia tăng đột biến số người chết vào cuối những năm 1330 tại hai nghĩa trang gần hồ Issyk-Kul, ở phía đông Kyrgyzstan ngày nay.

Nhóm chuyên gia đã tìm thấy dấu vết DNA cổ đại của vi khuẩn dịch hạch Yersinia pestis từ răng của 3 phụ nữ được chôn cất trong khu nghĩa trang ở thung lũng Chüy, gần hồ Issyk Kul, dưới chân núi Tian Shan. Những người này qua đời vào năm 1338-1339. Các ca tử vong sớm nhất được ghi nhận ở những nơi khác trong đại dịch là vào năm 1346.

Phát hiện nguồn gốc của hầu hết dịch hạch ngày nay

Theo Reuters, việc tái tạo bộ gene của mầm bệnh cho thấy chủng vi khuẩn này không chỉ phát sinh vi khuẩn gây ra Cái Chết Đen hoành hành ở châu Âu, Á, Trung Đông và Bắc Phi mà còn là nguồn gốc của hầu hết chủng bệnh dịch hạch tồn tại ngày nay.


Văn bia trên bia đá này được viết bằng chữ Syriac, có nghĩa: "Đây là ngôi mộ của tín đồ Sanmaq. Anh ta chết vì bệnh dịch hạch". (Ảnh: AS Leybin).

Trong số 467 bia mộ có niên đại từ năm 1248 đến năm 1345, GS Slavin phát hiện số người chết tăng lên đột biến vào niên đại 1338-1339 với 118 bia mộ. Chữ khắc trên một số bia mộ đề cập nguyên nhân cái chết là “mawtānā”. Đây là thuật ngữ tiếng Syriac có nghĩa “bệnh dịch hạch”.

Nghiên cứu sâu hơn đã chỉ ra các địa điểm đã được khai quật vào cuối những năm 1880, với khoảng 30 bộ xương được di dời khỏi mộ của họ. Sau khi nghiên cứu nhật ký của các cuộc khai quật, GS Slavin và cộng sự lần lượt phát hiện một số hài cốt, liên kết chúng với những bia mộ cụ thể tại nhiều nghĩa trang.

Sau đó, những mẫu vật này được chuyển cho chuyên gia về DNA cổ đại là TS Krause và tiến sĩ Maria Spyrou tại Đại học Tübingen, Đức. Họ chiết xuất vật liệu di truyền từ răng của 7 người được chôn cất tại các nghĩa trang. Ba trong số chúng chứa DNA của Yersinia pestis, vi khuẩn gây ra bệnh dịch hạch.

Phân tích đầy đủ bộ gene vi khuẩn cho thấy nó là tổ tiên trực tiếp của chủng gây ra Cái Chết Đen ở châu Âu. Từ đây, họ kết luận những người này chính là người mang mầm bệnh gây ra cái chết cho hơn 50% dân số của lục địa này sau đó.

Theo nhóm chuyên gia, họ hàng gần nhất còn sống của chủng virus dịch hạch gây Cái Chết Đen đã được tìm thấy trong các loài gặm nhấm cùng khu vực.

Cái Chết Đen là đại dịch chết chóc nhất từng được ghi nhận. GS Slavin cho biết nó đã giết chết 50-60% dân số ở các khu vực Tây Âu và 50% ở Trung Đông, tương đương khoảng 50-60 triệu ca tử vong. Đặc biệt, số người chết ở Caucasus, Iran và Trung Á gần như “không thể đếm được”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 3.248 trường hợp đã được báo cáo trên toàn thế giới từ năm 2010 đến 2015, gây ra cái chết cho 584 người. CHDC Congo, Madagascar và Peru là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), người dân thường mắc bệnh dịch hạch hoặc nhiễm trùng huyết sau khi bị bọ chét mang vi khuẩn này cắn. Chúng ta cũng có thể mắc bệnh khi tiếp xúc động vật mang trùng.

Cập nhật: 16/06/2022 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video