Đó là tên gọi bà con nông dân tin tưởng đặt cho sản phẩm phân bón lá hữu cơ sinh học KH, AH, NH của tác giả Nguyễn Anh Kết.
Trước khi đoạt giải Nhất giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam 2005 (VIFOTEC), ngoài “chiến công” cứu hàng trăm ha lúa, ngô, đậu tương, lạc, mạ, dưa chuột... khỏi chết vì bệnh vàng lá, ngập úng, ngập mặn, nhiễm khói lò gạch, bị rét và sương muối ở Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định…, sản phẩm này còn được bà con nông dân sử dụng đại trà ở hầu khắp các tỉnh phía Bắc để giúp kháng bệnh và tăng năng suất cây trồng.
Tác giả Nguyễn Anh Kết đang có kế hoạch đưa sản phẩm vào ĐBSCL chặn đứng dịch bệnh vàng lá lúa đang hoành hành.
Trị bệnh từ cây đến… cá
“Đây, các bác xem, cây được như thế này là nhờ phun thuốc KH đấy” – Chị Trịnh Thị Chuyên (xóm Sông Cùng, Tân Hưng, Lạng Giang, Bắc Giang) vừa nói vừa thoăn thoắt lội vào ruộng dưa chuột xanh mướt nâng những quả dưa mập, nặng trĩu trên cành lên khoe.
Ruộng dưa của chị Chuyên đã không thể xanh tốt trở lại nếu không có phân bón lá AH (Ảnh: TP) |
Đã dùng phân bón hữu cơ KH, AH, NH nhiều lần với những loại cây trồng khác, lần này chị thử phun ướt toàn thân ruộng dưa đang bị bệnh. Thấy có kết quả rõ rệt, chị phun tiếp lần 2 và chỉ trong vòng 1 tuần, màu xanh của lá mới đã thay thế hoàn toàn màu vàng trước đây.
“Cây không bị bệnh gì nữa, quả đậu nhiều hơn hẳn, đều tăm tắp, không bị thắt lại như trước” – Chị Chuyên phấn khởi.
Mấy năm nay, bệnh vàng lá lúa bỗng phát triển mạnh. Chị Chuyên và bà con trong thôn đã dùng loại phân bón này cho lúa được 3 vụ. Người hội trưởng phụ nữ thôn này cho biết ruộng nào bị vàng lá phun KH hay AH là cây lúa phục hồi ngay, lá lúa to, thân cứng cáp chứ không mềm như bón phân đạm.
Chị Chuyên cho biết nếu phun vào lúc lúa sắp làm đòng, đòng lúa sẽ to cứng cáp và do vậy năng lúa tăng lên rõ rệt, khoảng 25 - 35 kg/sào. Chị cũng đã dùng phân này phun cho cây lạc vụ đông xuân vừa qua.
Với 2 lần phun, củ lạc chẳng những mẩy đều hơn mà còn tăng 30% năng suất so với bình thường. Điều đặc biệt, theo chị Chuyên, là khi bị nhổ lên thời gian khá lâu, cây lạc vẫn xanh mượt chứ không bị úa vàng ngay.
Cả huyện Phú Xuyên (Hà Tây) có khoảng 300 ha lúa, theo trạm bảo vệ thực vật (BVTV) huyện, vừa trải qua dịch bệnh vàng lá. Anh Tô Tiến Đốc, kỹ thuật viên của trạm BVTV Phú Xuyên, người đã có công đưa loại phân bón lá hữu cơ này vào sử dụng đại trà, phấn khởi khoe dịch bệnh đã bị chặn đứng nhờ AH.
“Cây lúa đã xanh tốt trở lại và chắc chắn năng suất không hề bị ảnh hưởng” – Anh Đốc nói.
Địa phương này đã dùng phân bón lá AH từ năm 2002, khi nó vừa được đưa từ phòng thí nghiệm ra thị trường. Bà con ở đây thường phun thuốc cho cây rau màu vụ đông.
Theo anh Đốc, phun 2 lần phân cho cây sẽ giảm được gần một nửa lượng đạm. Theo thống kê của trạm BVTV Phú Xuyên, năng suất tăng rõ rệt nhất là cây đậu tương, từ 15 – 20%. Với cây dưa chuột, anh Đốc cho biết nếu phun ngay từ đầu, cây sẽ không bị bệnh vàng lá.
"Đây là loại phân bón đặc biệt, tổng hợp được rất nhiều vi lượng kích thích cây trồng phát triển và kháng bệnh". Ông Nguyễn Ngọc Kính - Chủ tịch Hội đồng thẩm định lĩnh vực Sinh học giải thưởng VIFOTEC. |
Biết tin, ông Kết cử nhân viên kỹ thuật xuống phun liên tục 3 lần. Kết quả là cây lúa bỗng xanh tốt trở lại. Hàng chục ha lúa nhiễm mặn, có nơi độ mặn cao nhất lên đến 0,55% ở huyện ven biển Nghĩa Hưng cũng được cứu sống nhờ loại “thuốc của Thần Nông” này.
Năm 2004, hàng trăm ha lúa ở HTX Phúc Thành (Kim Thành, Hải Dương) bị khói lò gạch “hun” đến mức các chủ hộ cầm chắc thất thu vì lúa đã héo hết. Ông Kết điều gần hết nhân viên kỹ thuật ở Cty Thanh Hà của mình về cứu lúa bằng cách phun liên tục 4 lượt.
Như có phép lạ, chỉ vài ngày sau, cây lúa bắt đầu xanh tốt trở lại và hồi phục hẳn sau 10 ngày. Phân bón lá của ông Kết cũng đã cứu sống hàng loạt diện tích lạc héo úa vì rét và sương muối ở các huyện Hoa Lư, Yên Mô (Ninh Bình).
Điều làm chính các nhà khoa học ở Viện BVTV (Viện KH&CN Việt Nam) ngạc nhiên là không chỉ trị bệnh cho cây mà thuốc của ông Kết còn có thể cứu được cả… cá.
Một buổi chiều cách đây chừng 2 tháng, cá ở ao nhà anh Nguyễn Văn May (thôn Chuông Vàng, Tân Hưng, Lạng Giang, Bắc Giang) bỗng đồng loạt nổi hết và đâm vào bờ ngửa bụng. Được tập huấn ở Trạm BVTV huyện, một người bạn mách anh May hoà phân bón AH với nước tưới xuống ao. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, lũ cá bỗng khỏe cả lại và lặn xuống. Những chủ hộ có ao bên cạnh không dám làm cách này nên cá chết hết. “Phân bón AH đã cứu cho tôi 4 tạ cá” – Anh May vẫn còn chưa hết vui mừng.
Tác giả Nguyễn Anh Kết cho biết cá nổi là do nguồn nước không lưu thông, thiếu ô xy. Trong khi đó, phân AH có những thành phần làm mềm nước, “kéo” thêm nhiều ô xy nên đã cứu được cả ao cá.
Cần đưa đến mọi cánh đồng
Theo ông Trương Hợp Tác - Trưởng phòng sử dụng đất, phân bón – Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), người trực tiếp thẩm định phân bón lá của ông Kết, sinh phẩm này phát huy hiệu quả hơn hẳn những loại phân bón cùng loại khác, đặc biệt đối với cây trồng bị ngập úng, ngập mặn.
Hội đồng chấm giải VIFOTEC đã nhất trí với đánh giá: “Nếu bón phân AH, KH, NH, lợi nhuận tăng từ 4 triệu đến 6 triệu đồng/ha; giảm được từ 20 – 30% lượng phân bón vô cơ khác và giảm đáng kể thuốc BVTV.
Hơn nữa, phân không độc hại cho nông sản, giúp cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường và cải tạo những vùng đất nghèo dinh dưỡng thành những vùng canh tác hiệu quả cao”.
“Nhà nước cần phải hỗ trợ để nhanh chóng đưa loại phân bón này đến mọi cánh đồng”- Ông Nguyễn Ngọc Kính-Phó Chủ tịch Hội Giống cây trồng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định lĩnh vực sinh học giải thưởng VIFOTEC kiến nghị.
Theo ông Kính, mức độ sản xuất ở một Cty nhỏ của tác giả Nguyễn Anh Kết chỉ cho sản lượng nhất định, không đủ cung ứng cho thị trường. Vì vậy, Nhà nước nên hỗ trợ vốn, công nghệ để cơ sở của tác giả mở rộng sản xuất phục vụ bà con nông dân.
Hải Hà