Giải pháp phòng trừ rầy nâu sinh bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá

Biện pháp phòng trừ rầy nâu sinh bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá có điểm khác bình thường. Dùng giống lúa có tính kháng rầy cao vẫn là biện pháp ngăn chặn rầy hiệu quả nhất.

Diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu và bệnh vàng lùn (VL) và lùn xoắn lá (LXL) đang tăng rất nhanh. Ðầu vụ hè thu mới có 456 ha nhiễm bệnh, đến cuối vụ đã tăng 78 lần, đến ngày 3-10 tăng lên 60 nghìn ha (131 lần). Và 72 nghìn ha là số thống kê để báo cáo cho đợt họp giao ban chống rầy ngày 18-10-2006 của ngành nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Ðây cũng là nguồn rầy và bệnh VL và LXL ở đầu vụ đông xuân 2006 - 2007.

Do những cố gắng của nông dân và cán bộ nông nghiệp Nam Bộ, như có gần 20 tỉnh và thành phố có Ban chỉ đạo phòng chống rầy, cho nên hạn chế phạm vi tác hại và chưa ảnh hưởng tới an ninh lương thực quốc gia, vì chúng ta còn "van an toàn lương thực" ở 20% sản lượng lúa gạo dành cho xuất khẩu. Tuy nhiên, đã có ảnh hưởng đáng kể đến an ninh lương thực gia đình ở nhiều địa phương. Như ở Tiền Giang, trận dịch VL và LXL này xảy ra trên diện tích khoảng 18 nghìn ha, tỉnh thiệt hại khoảng 50 nghìn tấn lúa, trị giá khoảng 100 tỷ đồng, ảnh hưởng 24 nghìn hộ dân với khoảng 120 nghìn người.

(Ảnh: Nhandan)
Hai đợt dịch rầy lớn ở Nam Bộ là vào năm 1978 và 1991, gây tác hại chủ yếu do rầy hút nhựa cây lúa gây cháy rầy. Bệnh VL và LXL có thể hiện, nhưng không rõ. Lần này bệnh rất trầm trọng. Tỷ lệ diện tích lúa nhiễm bệnh so với diện tích nhiễm rầy tăng rất nhanh. Theo một thống kê của Cục BVTV trong cuộc họp giao ban vừa qua: Ở Nam Bộ tỷ lệ diện tích nhiễm bệnh VL và LXL so với diện tích nhiễm rầy trong vụ hè thu 2006 là 13,7%; trong vụ thu đông kế tiếp là 42%, đến vụ mùa lên tới 95%! Còn tỷ lệ rầy nhiễm bệnh trên tổng số rầy được xác định bước đầu khoảng 50 - 60%.

Ðặc điểm chung của tai họa rầy + bệnh lần này và những lần trước, kể cả ở Bắc Bộ đợt dịch rầy xanh và bệnh vàng lụi giữa những năm 60 thế kỷ trước là: bệnh không thể lây nhiễm từ cây lúa bệnh đến cây lúa lành, nếu không có con rầy là môi giới truyền bệnh. Như nghiên cứu trước đây, chỉ cần một con rầy đã nhiễm bệnh là có thể truyền sang cả bụi lúa, rồi đàn rầy bu lại hút nhựa cây lúa bệnh sẽ lan truyền sang cây lúa lành, nhiều khi đạt hàng nghìn con/bụi. Ðàn rầy này có thể theo chiều gió bay đến nhiều nơi xa xôi.

Như vậy, chỉ có trừ rầy mới chặn được bệnh VL và LXL lây lan. Hơn nữa, trừ rầy còn phòng trừ được nạn cháy rầy ngay cả khi rầy không mang nguồn bệnh. Tuy nhiên, việc "truy sát" con rầy lại khá phức tạp; cần cả tinh thần và kỹ năng; cả tự lực của bà con nông dân và sự hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí. Ðến nay, kinh phí hỗ trợ của ngân sách địa phương đã thực chi 0,8 tỷ đồng cho vụ hè thu 2006; 2,1 tỷ cho vụ thu đông tiếp, và 2,5 tỷ cho vụ mùa.

Biện pháp phòng trừ rầy cũng có điểm khác bình thường. Dùng giống lúa có tính kháng rầy cao vẫn là biện pháp ngăn chặn rầy hiệu quả nhất. Các địa phương đã phát hiện nhiều giống được sản xuất trên diện tích rộng có tính kháng rầy chấp nhận được, như OM576, OMCS2000, IR64, VD 95-20, AS996... Có giống tính kháng/nhiễm không ổn định, vì khi nhiễm, khi không, như giống Jasmin, giống này có nơi kháng VL và LXL... Dùng giống kháng rầy xác nhận là tốt nhất. Khi cần chọn giữa giống kháng rầy và giống xác nhận nhiễm rầy, lúc này nên dùng kháng rầy. Ðã có nhiều dòng/giống lúa mới có tính kháng tốt, nhưng còn phải được thử thách trên diện tích rộng.

Khi tình hình rầy nâu và bệnh VL và LXL như hiện nay mà chờ đến sau sạ 40 ngày mới xịt thuốc trừ rầy là không đúng. Ở tỉnh Ðồng Tháp và nhiều nơi sau khi sạ lúa 20 - 25 ngày đã có rầy nâu và bệnh VL và LXL. Cần quyết liệt trừ rầy ngay, ở ruộng lúa hay cả ở bờ bụi, ở bất cứ giai đoạn sinh trưởng phát triển nào của cây lúa. Hiệu quả trừ rầy bằng thuốc hóa học cao nhất là lúc rầy cám, sẽ giảm nhanh khi rầy trưởng thành.

Chúng tôi đã chứng kiến chế phẩm sinh học trừ sâu nấm trắng và nấm xanh có hiệu quả tốt, có thể trừ được rầy cả sau giai đoạn rầy cám, nếu như nấm tiếp xúc được với rầy, mọc rễ vào con rầy và gây chết. So với thuốc bassa và các loại hóa học khác, hiệu quả tuy có chậm hơn độ năm đến bảy ngày, nhưng bền hơn. Tuy nhiên, khó phân biệt những bao chế phẩm nào không đủ lượng nấm, hoặc không có một cái nấm nào thì tất nhiên không có hiệu quả gì. Cần có đề tài áp dụng phương pháp phòng trừ sinh học này, tuy nông dân áp dụng hiện có khó khăn hơn dùng thuốc hóa học, nhưng là biện pháp "thân thiện với môi trường"...

Không có biện pháp canh tác tốt, như phong trào "ba tăng ba giảm", thì không phát huy được tiềm năng của giống, trong đó có tiềm năng chống chịu rầy. Cần tập trung thực hiện quyết liệt biện pháp kỹ thuật nào vừa hạn chế rầy phát triển, vừa tăng năng suất, tăng chất lượng và hạ giá thành sản xuất. Gieo lúa theo hàng bằng máy là biện pháp kỹ thuật đạt yêu cầu trên, diện tích áp dụng kỹ thuật này đã đạt 20 - 25% diện tích lúa. Bình thường, mật số rầy/1m2 ở ruộng sạ hàng có 0 - 2 con, ở sạ lan tập quán tới vài bốn chục con. Lợi ích của sạ hàng đã được tổng kết một cách minh bạch, so với sạ lan tập quán: một ha tiết kiệm hơn một tạ thóc giống, một bao u-rê, giảm 2-4 lần trừ sâu, giảm rõ rệt diện bị chuột phá.

Cục Bảo vệ thực vật bộ phận phía nam đã thử nghiệm trên diện tích rộng trang phẳng mặt ruộng có sử dụng công nghệ tia la-de, đặt mặt phẳng ruộng lúa nước láng trắng như gương. Kết quả phù hợp nghiên cứu của IRRI ở Campuchia, tăng năng suất khoảng 10%, lại tăng được hiệu quả của các kỹ thuật khác; như mật độ lúa đều, giảm lượng nước tiêu tưới, bón phân đều, thu hoạch dễ hơn.

Nhập cuộc với phong trào phòng, chống rầy nâu và bệnh VL và LXL, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long coi là hoạt động nghiên cứu triển khai ưu tiên nhất cho toàn viện. Vận dụng những kinh nghiệm hợp tác với Viện lúa QT (IRRI), với JIRCAS (Nhật Bản), với đoàn khoa học gia Ấn Ðộ công tác tại viện từ năm 1982 đến 1989, để nghiêm túc trắc nghiệm tính kháng rầy nâu trong phòng, ngoài đồng, bằng những nguồn rầy lấy tại các địa phương. Những giống đang được dùng trong sản xuất trên diện tích rộng có yêu cầu trắc nghiệm của các địa phương như OM 5765, OMCS 2000, IR 50404, ST..., những dòng/giống triển vọng của bất cứ tác giả nào muốn hợp tác sẽ được nghiên cứu bài bản và khẩn trương. Viện sẵn sàng hợp tác với các địa phương và với cơ sở nghiên cứu của các cơ quan liên quan.

GS, TS NGUYỄN VĂN LUẬT

Theo Nhân dân
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video