Hà Nội, TP HCM ô nhiễm bụi hàng đầu châu Á

"Xét về mật độ bụi nhỏ, Hà Nội và TP HCM thuộc loại hàng đầu châu Á, chỉ sau Bắc Kinh, Thượng Hải một chút", bà Nguyễn Ngọc Lý, Trưởng phòng Phát triển bền vững của UNDP tại VN tiết lộ trong buổi công bố báo cáo môi trường toàn cầu sáng nay.

"Năm 1995, khi còn làm chương trình quản lý môi trường ở TP HCM, chúng tôi từng trao đổi rằng ước mơ làm sao để TP HCM không thể trở thành Bangkok (về mặt ô nhiễm). Thế mà nay, chỉ sau hơn chục năm, TP HCM gần như đã bằng Bangkok".

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Trưởng phòng Phát triển bền vững của UNDP ở VN.

Sáng nay, đồng loạt tại các nước trên thế giới, Chương trình môi trường liên hợp quốc công bố bản báo cáo GEO-4, báo cáo mới nhất đánh giá hiện trạng bầu khí quyển, đất đai, nước và đa dạng sinh học trên thế giới trong vòng 20 năm qua. Đây cũng là báo cáo đầy đủ nhất của Liên Hiệp Quốc về môi trường, do hơn 390 chuyên gia soạn thảo.

Theo đó, Việt Nam, tuy được đánh giá cao về việc trồng rừng ngập mặn, nhưng vẫn có môi trường xấu đi đáng kể. Một bản đánh giá chỉ số môi trường bền vững, công bố tại một hội nghị ở Davos, Thuỵ Sĩ năm ngoái, cho biết Việt Nam được xếp cuối cùng về môi trường trong 8 nước Đông Nam Á. Còn theo cảnh báo mới đây của Ngân hàng thế giới, nước ta sẽ là một trong hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi nước biển dâng.

Ông Hoàng Dương Tùng, Giám đốc Trung tâm quan trắc và thông tin môi trường, thuộc Cục Bảo vệ môi trường, thành viên đoàn Việt Nam tham gia GEO-4, cho biết, ngoài bụi, ô nhiễm sông cũng là một vấn đề nghiêm trọng, mà chủ yếu do nước thải sinh hoạt, công nghiệp của các thành phố lớn thải ra. 

"Bạn có thể bảo vệ môi trường từ những việc rất nhỏ, chẳng hạn bơm lốp xe căng thêm một chút là có thể tiêu thụ bớt xăng đi, và giảm bụi bốc lên".
Ông Hoàng Dương Tùng, Giám đốc Trung tâm quan trắc và thông tin MT, Cục Bảo vệ môi trường.

"Có những đoạn trên hệ thống sông Nhuệ - Đáy, sông Đồng Nai - Sài Gòn, ôxy hoà tan gần như bằng không, trở thành những dòng sông chết", ông nói.

Ông Tùng cũng cho rằng, nếu tính đến các tổn thất môi trường, thì "có ý kiến cho rằng GDP năm nay của chúng ta không thể đạt mức 8,5%, mà chắc chắn là thấp hơn thế, có thể chỉ 4-5% thôi".

Dưới đây là vài điểm chính trong báo cáo GEO-4

- Toàn thế giới đang sống vượt xa tiềm lực của mình. Để đáp ứng nhu cầu của 1 người, trái đất cần đến 21,9 hecta bề mặt, trong khi công suất sinh học của toàn cầu, chia bình quân, hiện chỉ là 15,7 hecta, bằng hai phần ba so với nhu cầu của chúng ta.

- Nếu như trước kia, nhiều người coi "trái đất nóng lên" là khẩu hiệu, là vô hình, thì nay, số liệu đã rõ ràng đến mức không thể làm ngơ: nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,74 độ C trong 100 năm qua, và trong thế kỷ này có thể tăng thêm từ 1,8 đến 4 độ - mức mà vượt qua đó là không thể đảo ngược. Và những nước nằm sát bờ biển (như Việt Nam) sẽ chịu hậu quả trước tiên do đất đai chìm xuống.

Tình hình nghiêm trọng đến mức, người ta phải xem xét tới một công ước mới thay thế Nghị định thư Kyoto, nhằm buộc các nước đang phát triển cũng phải cam kết cắt giảm khí nhà kính, mà không được miễn trừ như trước.

- Nước ngọt đang giảm nhanh, ước tính đến năm 2025, 1,8 tỷ người sẽ phải sống trong điều kiện cực kỳ thiếu nước, và khi đó "gánh nặng về nhu cầu nước sẽ trở nên không chịu nổi tại các quốc gia khan hiếm này".

Không gian của một con phố khi bị chiếm bởi cùng một lượng người: đi xe hơi (ngoài cùng, trái), đi xe buýt (giữa) và đi xe đạp. (Ảnh: GEO-4)

- Tốc độ thay đổi đa dạng sinh học hiện nay được xem là "nhanh nhất trong lịch sử con người", với hơn 30% động vật lưỡng cư, 23% động vật có vú và 12% loài chim có nguy cơ tuyệt diệt. Ngoài ra, công suất đánh cá của con người ước tính gấp 2,5 lần so với sản lượng khai thác bền vững của các đại dương.

"Sự tàn phá có hệ thống đối với tài nguyên đã đến một điểm mà tại đó sức sống của các nền kinh tế hiện đang bị thách thức - và đã đến mức mà hóa đơn thanh toán của chúng ta giao lại cho con cái có thể không sao thanh toán được", ông Achim Steiner, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và là Giám đốc điều hành UNEP, nhấn mạnh.

Thuận An

Theo Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video