Hàng trăm năm lịch sử gói lại trong vân gỗ cảnh báo nguy cơ xảy đến với hệ thống nông nghiệp Nam Mỹ

Cây cối được khoa học mệnh danh là những nhà sử học không hề biết nói dối. Trên Trái Đất có những rừng cây đã đứng đó hàng trăm năm, chúng còn nhiều tuổi hơn cả nhiều thế hệ con người cộng lại. Những rừng cây đứng đó, chứng kiến sự thay đổi của khí hậu, trải qua từng năm hạn hán, bão lũ.

Tất cả những lịch sử ấy được ghi lại một cách cẩn thận và cầu kỳ trong từng vân gỗ. Khi một cái cây cổ thụ già cỗi và chết đi, các nhà khoa học có thể cưa đôi thân cây để tìm hiểu về cuộc đời của nó. Từ đó, họ sẽ có được cho mình một cái nhìn xuyên suốt hàng trăm năm, những gì mà chỉ riêng một thế hệ con người không thể chứng kiến được.

Một nghiên cứu đăng trong Kỷ yếu Viện hàn lâm Hoa Kỳ tuần này đã tóm gọn lại một lịch sử hơn 600 năm của khí hậu Trái đất, được viết ra trong những vân gỗ của những rừng cây vùng Nam Mỹ. Những dữ liệu quý giá này đã chứng minh cho chúng ta thấy sự bất thường của khí hậu Trái Đất bắt đầu từ thế kỷ 20.


Lịch sử khí hậu Trái đất được viết ra trong những vân gỗ của những rừng cây vùng Nam Mỹ.

Những người thuộc chủ nghĩa hoài nghi, những người từng coi biến đổi khí hậu là một câu chuyện được một số nhà khoa học bịa ra, khi nhìn vào đây chắc chắn sẽ phải thay đổi quan điểm của họ. Bởi những rừng cây là những nhà sử học trung thực nhất mà chúng ta từng có.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Columbia. Trong đó, họ đã khảo sát vân gỗ của 186 cây cổ thụ phân bố ở khu vực các nước Nam Mỹ bao gồm Argentina, Chile, Uruguay, Paraguay, Bôlivia, miền nam Brazil và Peru.

Dữ liệu giải mã được từ các vân gỗ này đã cho phép các nhà khoa học lập ra một Bản đồ Hạn hán cho cả Nam Mỹ (SADA). Bản đồ này đã ghi lại sự thay đổi độ ẩm trong suốt 6 thế kỷ của lục địa, làm nổi bật lên một giai đoạn hạn hán dữ dội nhất từ những năm 1930. Nó cũng tiết lộ sự thật là từ năm 1960 trở lại đây, Nam Mỹ đang trải qua những đợt hạn hán lặp lại theo chu kỳ, cứ 10 năm một lần.

Những dữ liệu giải mã được từ vân gỗ hoàn toàn phù hợp với ghi chép lịch sử khí tượng học của con người, chứng minh những rừng cây không hề nói dối.

"Khu vực Nam Mỹ hiện đang có một lỗ hổng khẩn cấp với các sự kiện khí hậu khắc nghiệt", nhà nghiên cứu thiên văn học Mariano Morales, thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ Argentina cho biết. Chẳng hạn như chu kỳ hạn hán diễn ra trong những năm gần đây đang đe dọa sự sống còn của nền nông nghiệp lục địa Nam Mỹ.

Các nhà nông nghiệp học cho biết một số hệ thống thực phẩm tại đây đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Và nếu điều đó xảy ra thật, sự kiện này cũng sẽ được những vân gỗ ghi lại.

Trong quá khứ, các nhà khoa học cũng tìm được những vân gỗ từng chứng kiến hai đợt hạn hán kéo dài dẫn đến sự sụp đổ của 2 nền văn minh Trung Mỹ. Những cây bách hói có tuổi đời hàng trăm năm đã tiết lộ sự thật tàn khốc xảy ra trong thời đại của những người Toltec và Aztec, hai nền văn minh bản địa của Mexico.


Có những vân gỗ từng chứng kiến hai đợt hạn hán kéo dài dẫn đến sự sụp đổ của 2 nền văn minh Trung Mỹ.

Người Toltec đã phát triển cực thịnh trong khoảng thế kỷ thứ 9 đến thể kỷ 11. Nhưng một đợt hạn hán kéo dài 19 năm dường như đã hạ gục thủ đô của họ, thành phố cổ Tula, dẫn đến sự suy tàn của cả đế chế. Trong khi đó, nền văn minh Aztec kéo dài từ thể kỷ 16 đến thế kỷ 18 đã bị tàn phá bởi nạn đói, mà nguyên nhân cũng xuất phát từ hạn hán và khí hậu khắc nghiệt.

Vậy liệu các nền văn minh ở Nam Mỹ bây giờ có kết thúc giống như người Toltec hay người Aztec? "Nếu điều đó đã từng xảy ra trong quá khứ, nó có nghĩa là lịch sử có thể lặp lại", giáo sư Richard Seager, đến từ Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty, Đại học Columbia cho biết. Thậm chí theo ông, các sự kiện khí hậu từ nay cho đến năm 2050 có thể diễn ra mạnh hơn và cực đoan hơn nhiều.

Gần đây, Argentina và Chile đang phải chịu đựng một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất lịch sử. Điều đáng nói là bối cảnh trái ngược lại đang diễn ra ở phía đông nam của lục địa, nơi có độ ẩm cao bất thường. Mô hình này xảy ra do biến đổi khí hậu, và mặc dù các nhà khoa học không muốn quy tất cả trách nhiệm cho con người, chúng ta đều ngầm hiểu những gì con người làm đang tạo ra vấn đề.

"Chúng tôi không muốn nhảy xuống vách đá và nói rằng đó hoàn toàn là do biến đổi khí hậu gây ra", nhà nghiên cứu cổ sinh học Edward Cook đến từ Đại học Comunbia cho biết. "Có rất nhiều sự thay đổi tự nhiên có thể bắt chước biến đổi khí hậu do con người".

Một giả thuyết cho thấy sự biến thiên của thời tiết và những thái cực cực đoan của khí hậu bắt nguồn từ lượng khí nhà kính được tích lũy trong hàng trăm năm, bắt đầu từ thế kỷ 20. Các nhà nghiên cứu xác định ba yếu tố chính trong sự thay đổi của khí hậu Nam Mỹ trong 60 năm qua.

  • Thứ nhất, đó là nhiệt độ mặt nước biển tuần hoàn thay đổi trên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
  • Thứ hai là một vành đai gió tây thổi quanh Nam Cực gọi là đới gió hình khuyên.
  • Thứ ba là hiện tượng Hadley phân phối không khí ấm và ẩm từ xích đạo về.

"Các sự kiện ngày càng cực đoan phù hợp với tác động từ các hoạt động của con người", Morales nói. Chỉ có điều, bản thân các vân gỗ không thể cung cấp bằng chứng trực tiếp cho điều đó.


Các nhà khoa họ hi vọng vân gỗ sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn xuyên suốt lịch sử để lập kế hoạch tương lai.

Những rừng cây chỉ cảm nhận và ghi lại sự thay đổi của khí hậu từ đất và lượng nước xung quanh rễ của chúng. Đó là những nhà sử học không phán xét, không bình luận và không quy trách nhiệm.

Nhưng dù nguyên nhân có xuất phát từ đâu đi chăng nữa, các nhà khoa họ hi vọng câu chuyện được kể bởi những vân gỗ sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn xuyên suốt lịch sử để lập kế hoạch tương lai cho những gì đang diễn ra.

Những gì mà con người đang làm với hành tinh của mình chắc chắn sẽ khiến Trái Đất giận giữ hơn nữa. "Sắp tới, các sự kiện lũ lụt và hạn hán sẽ gia tăng cùng với sự nóng lên toàn cầu", nhà khoa học khí hậu Jason Smerdon đến từ Đại học Columbia cảnh báo.

Chúng ta phải chuẩn bị cho mọi kịch bản, nếu không muốn trở thành một phần lịch sử đau thương được ghi vào trong những thớ gỗ.

Cập nhật: 23/07/2020 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video