Hàng trăm người nhìn thấy vệt sáng bí ẩn trên bầu trời nước Anh

Hàng trăm người phản ánh họ nhìn thấy một "ngôi sao băng" trên bầu trời Scotland và Bắc Ireland trong tối 14/9 nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể kết luận vệt sáng đó là gì.

UK Meteor Network, tổ chức quan sát sao băng Vương quốc Anh, cho biết họ bắt đầu nhận được báo cáo về vệt sáng vào lúc 22h ngày 14/9.

Các nhà khoa học đang sử dụng các đoạn video do người dân quay được để tìm hiểu xem vật thể bay ngang qua bầu trời là sao băng hay rác vũ trụ và nó đến từ đâu. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể kết luận nó đã đáp xuống mặt đất hay đã bốc cháy trong khí quyển, theo BBC.


Các tổ chức quan sát sao băng cho biết họ đã nhận được hàng trăm báo cáo về vệt sáng kỳ lạ bay qua bầu trời nước Anh. (Ảnh: UK Meteor Network).

UK Meteor Network cho hay họ đang "điều tra để xác định vật thể là thiên thạch hay mảnh vỡ không gian". Tổ chức này cũng nói thêm rằng hầu hết báo cáo mà họ nhận được là từ Scotland và Bắc Ireland, mặc dù vệt sáng cũng được nhìn thấy ở Anh Quốc.

Tổ chức Sao băng Quốc tế đã nhận gần 800 báo cáo của các nhân chứng từ khắp Vương quốc Anh và Ireland. Phần lớn báo cáo đến từ miền Trung Scotland nhưng cũng có những người ở bán đảo Black Isle, đảo Skye, London nhìn thấy vệt sáng.

Đá vũ trụ đi vào bầu khí quyển của Trái đất được gọi là sao băng nhưng những mảnh vỡ tồn tại sau hành trình vượt qua khí quyển và hạ cánh xuống mặt đất được gọi là thiên thạch.

Steve Owens, nhà thiên văn học và truyền thông khoa học tại Trung tâm Khoa học Glasgow, cho biết cảnh tượng này là "không thể tin được".

"Tôi đang ngồi trong phòng khách của mình vào lúc 22h và tôi nhìn thấy quả cầu lửa rực rỡ ở phía nam", ông nói.

"Thông thường nếu bạn nhìn thấy một thiên thạch hoặc một ngôi sao băng, chúng chỉ là những vệt sáng nhỏ kéo dài trong khoảnh khắc nhưng vệt sáng này kéo dài trên bầu trời ít nhất mười giây hoặc lâu hơn. Nó di chuyển từ phía nam sang phía tây. Đó là một cảnh tượng khá khó tin", ông Owens cho biết thêm.


Một người dân ghi lại được hình ảnh của vệt sáng xuất hiện trên bầu trời tại Saltcoats, Scotland. (Ảnh: Mark Rae/BBC).

Tiến sĩ Aine O'Brien, làm việc tại Đại học Glasgow, kêu gọi mọi người báo cáo về những gì họ nhìn thấy.

"Tại thời điểm này, chúng tôi không biết liệu những gì chúng ta nhìn thấy đêm qua có phải là một thiên thạch hay không. Có thể là vậy, nhưng một khả năng khác là nó có thể chỉ là một mảnh rác không gian”, cô nói.

Các nhà khoa học sẽ sử dụng các đoạn video về vệt sáng để xác định vị trí của nó đến từ đâu và theo dõi nơi nó sẽ hạ cánh nếu nó không bốc cháy trong khí quyển, tiến sĩ O'Brien cho biết.

Cập nhật: 16/09/2022 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video