Hành trình đi tìm máy thời gian (phần cuối)

Một đường hầm đi xuyên qua một quả đồi đương nhiên là ngắn hơn đường đi trên bề mặt. Tương tự như thế, một wormhole có thể là con đường ngắn hơn con đường thông thường trong không gian.

Trong giả tưởng khoa học, các wormhole đôi khi được gọi là các cổng sao (stargates), chúng mang lại một con đường tắt giữa hai điểm cách xa nhau trong không gian. Chui qua một wormhole giả thuyết này, bạn có lẽ sẽ đến được những thời điểm muộn hơn ở phía bên kia của thiên hà. Các wormhole phù hợp một cách tự nhiên với lý thuyết tương đối tổng quát, trong đó, trường hấp dẫn làm cong cả thời gian lẫn không gian. Các nhà lý thuyết đã đưa ra một không gian với những cấu trúc nối kết nhau bởi những "đường hầm" wormhole. Một đường hầm đi xuyên qua một quả đồi đương nhiên là ngắn hơn đường đi trên bề mặt. Tương tự như thế, một wormhole có thể là con đường ngắn hơn con đường thông thường trong không gian.

Khái niệm wormhole từng được sử dụng cho một thiết bị tưởng tượng trong tiểu thuyết Contact của Carl Sagan, viết năm 1985. Ngay sau Sagan, Kip S. Thorne và cộng sự ở Viện công nghệ California đã tìm cách chứng minh xem, liệu các wormhole có phù hợp với vật lý chính thống hay không. Xuất phát điểm của họ là một wormhole tương tự với một lỗ đen mang trường hấp dẫn khủng khiếp. Nhưng ở đây có một sự khác nhau, đường vào lỗ đen sẽ chẳng dẫn tới đâu cả, còn một wormhole thì có cả đường vào lẫn ra.

Máy thời gian wormhole

Để con đường wormhole có thể đi được, nó phải chứa cái mà Thorne gọi là vật chất kỳ cục. Cái thứ vật chất này sẽ sinh ra sự phản hấp dẫn để chống lại lực hấp dẫn khổng lồ của một hệ có khối lượng lớn. Phản hấp dẫn, hay lực đẩy hấp dẫn, có thể được sinh ra bởi năng lượng âm hoặc áp suất âm. Các trạng thái năng lượng âm được biết là tồn tại trong những hệ lượng tử nhất định. Điều đó cho thấy rằng, vật chất kỳ cục của Thorne không bị bác bỏ bởi các định luật vật lý mặc dù Thorne vẫn chưa nói rõ ràng về việc liệu có đủ vật liệu phản hấp dẫn để ổn định wormhole hay không.

Ngay khi Thorne và cộng sự nhận ra rằng, nếu một wormhole ổn định được tạo ra, khi đó nó có thể sẵn sàng để trở thành một cỗ máy thời gian. Khi một nhà du hành đi qua nó, anh ta không những sẽ đi đến một nơi khác trong vũ trụ mà còn đi đến một điểm khác trong thời gian, tương lai hoặc quá khứ.

Để một wormhole hoạt động như máy thời gian, một trong những cái miệng của nó có thể được đặt gần bề mặt một sao neutron. Trường hấp dẫn của sao sẽ làm chậm thời gian ở một miệng wormhole sao cho sự sai khác thời gian giữa hai cái miệng của wormhole sẽ được tích tụ dần. Nếu cả hai cái miệng được đặt tại những nơi thích hợp trong không gian, sự sai khác thời gian này sẽ được giữ ổn định.

Giả sử rằng sai khác là 10 năm. Một nhà du hành chui qua wormhole theo một chiều và nhảy đến 10 năm sau trong tương lai. Một nhà du hành khác đi theo chiều ngược lại và trở về 10 năm trước trong quá khứ. Bằng việc bay thật nhanh để trở về xuất phát điểm trong không gian thông thường, nhà du hành thứ hai có thể trở về nhà trước thời điểm anh ta chui vào wormhole. Nói cách khác, một vòng kín trong không gian có thể trở thành một vòng kín trong thời gian. Có một hạn định là, nhà du hành không thể trở về thời điểm trước khi wormhole lần đầu tiên được tạo ra.

Vấn đề cực khó trong việc tạo ra một máy thời gian wormhole là đầu tiên phải làm thế nào để có được một wormhole. Có lẽ không gian vốn được xâu chuỗi một cách tự nhiên bởi những cấu trúc như vậy, chúng là những tàn dư của Big Bang. Nếu như vậy, một nền siêu văn minh có thể sử dụng chúng. Mặt khác, các wormhole có thể còn tồn tại tự nhiên ở những kích thước vô cùng nhỏ, vào cỡ cái gọi là độ dài Planck. Về nguyên tắc, một wormhole tí hon như vậy có thể được ổn định hóa bởi một xung năng lượng và ở một mức độ nào đó, nó sẽ được phình to ra đến các kích thước có thể sử dụng được.

Những nghịch lý

Giả sử rằng, chúng ta có thể vượt qua được những khó khăn kỹ thuật, việc chế tạo cỗ máy thời gian sẽ gặp phải hàng loạt nghịch lý nhân quả không thể chấp nhận được. Các nghịch lý này nảy sinh khi những kẻ du hành thời gian cố gắng làm thay đổi quá khứ, điều này rõ ràng là không thể. Thử xét trường hợp một nhà du hành thời gian đi tới tương lai 1 năm sau và đọc được một công thức toán học mới trên tờ Tia sáng chẳng hạn. Khi quay trở lại thời điểm ban đầu của mình, anh ta sẽ dạy công thức đó cho một sinh viên, và người sinh viên này lại viết nó trong một

Mô hình wormhole.
(Ảnh: casa.colorado.edu)

bài báo đăng trên tờ Tia sáng. Tất nhiên, bài báo đó chính là bài nhà du hành đọc được. Khi ấy, câu hỏi được đặt ra là: thông tin về công thức đến từ đâu? Không phải từ nhà du hành, vì ông ta đã đọc được nó, cũng không phải từ cậu sinh viên, vì cậu đã học nó từ nhà du hành. Thông tin dường như không đến từ đâu cả, không từ nguyên cớ nào cả.

Những hệ quả quái gở của du hành thời gian đã dẫn một số nhà khoa học đi đến dứt khoát từ bỏ ý niệm về nó. Stephen Hawking ở Đại học Cambridge đã đề xuất một "phỏng đoán bảo vệ trình tự thời gian", coi các vòng nhân quả là "ngoài vòng pháp luật". Vì lý thuyết hấp dẫn được biết là cho phép các vòng nhân quả, sự bảo vệ trình tự thời gian sẽ đòi hỏi thêm một thừa số khác nào đó can thiệp vào, nhằm ngăn cản sự du hành về quá khứ. Thừa số đó có thể là gì? Có một đề xuất rằng, các quá trình lượng tử sẽ tham gia vào việc cứu nguy này. Sự tồn tại của một máy thời gian sẽ cho phép các hạt trở về quá khứ của chúng. Các tính toán ngụ ý rằng, sự nhiễu loạn lượng tử sẽ có thể làm hỏng wormhole.

Sự bảo vệ trình tự thời gian vẫn chỉ là phỏng đoán, do đó việc du hành thời gian vẫn là một điều khả dĩ. Lời giải cuối cùng cho vấn đề này có lẽ phải chờ đến sự thống nhất thành công của cơ học lượng tử với hấp dẫn. Thậm chí, chúng ta vẫn có thể tưởng tượng được rằng, các thế hệ máy gia tốc sau này sẽ có thể tạo ra những wormhole ở cấp độ dưới nguyên tử. Chúng có thể tồn tại đủ lâu để làm các hạt gần đó bay vào các vòng nhân quả. Điều này vẫn còn xa so với tưởng tượng của Wells về máy thời gian, nhưng nó sẽ làm thay đổi vĩnh viễn bức tranh của chúng ta về hiện thực vật lý.

Hành trình đi tìm máy thời gian (phần 1)

Theo Tia sáng, Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video