Hé lộ số phận của 4 con cừu Dolly nhân bản vô tính

Dolly gặp nhiều vấn đề và chết trẻ nhưng số phận của bản sao vô tính giống y hệt nó là Debbie, Denise, Dianna, Daisy lại khác hẳn.

Ngày 5/7/1996, cừu Dolly là động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính trên thế giới. Dolly được ca ngợi là thành tựu vĩ đại của khoa học. Tuy nhiên, đây cũng là ví dụ mang tính chất cảnh báo.

Xét nghiệm di truyền cho thấy DNA của Dolly có dấu hiệu của sự lão hóa khi nó mới một tuổi. Lúc lên 5, nó được chẩn đoán bị viêm khớp. Hiện vẫn chưa rõ liệu các vấn đề của Dolly có phải vì nó được nhân bản hay không. Năm 2003, Dolly chết khi được 6 tuổi - một nửa tuổi thọ điển hình của cừu cùng loại.


Debbie, Denise, Dianna, Daisy được gọi chung là "các Dolly" vì chúng là các bản sao chính xác về gene của cừu Dolly đã qua đời - (Ảnh: University of Nottingham).

Các mẫu mô của Dolly được lưu giữ và dùng để tạo ra loạt cừu vô tính mới sau đó. Bốn chú cừu Debbie, Denise, Dianna, Daisy được gọi là "các Dolly" vì chúng giống hệt, là các bản sao chính xác về gene của cừu Dolly đã qua đời. Bốn "Dolly của Nottingham" này là các cá thể sống sót từ một nhóm 10 nhân bản Dolly sinh ra trong năm 2007.

Từ đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Nottingham đã chăm sóc và theo dõi sát sao chúng. Tại một cuộc họp báo tại Anh hồi đầu tuần, nhà nghiên cứu David Gardner cho biết: "Chúng tôi muốn đánh giá sinh lý những con vật này để xem chúng có bình thường không". Họ nuôi các Dolly cùng 9 chú cừu bình thường khác để đo sự chuyển hóa, tim mạch và sức khỏe cơ xương của chúng.

Sau nhiều năm, nhóm khoa học công bố bốn cá thể nhân bản (đã được 4 tuổi) có nguồn gốc từ dòng tế bào của Dolly còn sống và khỏe mạnh. Mặc dù Dolly bị lão hóa xương khớp sớm nhưng chỉ có một trong bốn bản sao của nó, chú cừu tên Debbie, có biểu hiện viêm khớp nhẹ.

Bác sĩ thú y và cộng tác viên nghiên cứu, Sandra Corr, nói với báo chí: "Trao đổi chất và tim mạch đều tốt, không thể phân biệt chúng và các con cừu khác cùng độ tuổi. Chúng tôi thấy rằng phần lớn các con cừu thật sự rất khỏe mạnh xét về tuổi tác của chúng".


Các bản sao của Dolly được tạo ra bằng cách sử dụng cùng một phương pháp tạo ra Dolly - công nghệ chuyển nhân tế bào soma - (Ảnh: Guardian).

Các con cừu này đều được nhân bản vô tính bằng cách sử dụng cùng một phương pháp tạo ra Dolly, công nghệ chuyển nhân tế bào soma. Trong đó, các nhà khoa học loại bỏ DNA (nằm trong nhân của tế bào) từ một tế bào của động vật ban đầu (trong trường hợp này, từ tuyến vú của cừu ban đầu), sau đó chuyển nó vào trong nhân của tế bào trứng. Họ kích thích tế bào này phân chia bằng phương pháp sốc điện cho đến khi nó phát triển thành phôi bào. Sau đó họ cấy phôi vào tử cung của một con cừu thứ ba. Việc tạo ra Dolly đã chứng tỏ rằng một tế bào được lấy từ những bộ phận cơ thể đặc biệt có thể tái tạo được cả một cơ thể hoàn chỉnh.

Theo người dẫn đầu nghiên cứu, ông Kevin Sinclair, thì đây là nghiên cứu sâu nhất về sức khỏe các bản sao vô tính theo tuổi thọ tính cho đến thời điểm này. Sức khỏe tốt của các Dolly là một dấu hiệu cho thấy bản sao vô tính có thể sống lâu và sống khỏe mạnh.

Cập nhật: 28/07/2016 Theo khampha
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video