Hé lộ thế giới sống động trên "hành tinh chết"

Những khối xây dựng sự sống do thiên thạch mang đến, bầu khí quyển đủ dày để bảo vệ mầm sống khỏi bức xạ, hệ thống sông ngòi mênh mông… đã từng hiện diện ở sao Hỏa.

Một số nghiên cứu mới đã chứng minh sao Hỏa từng là một bản sao gần giống Trái đất với những điều kiện tuyệt vời cho sự sống, trước khi trở thành một "hành tinh chết" cằn cỗi và khắc nghiệt như ngày nay.


Sao Hỏa - (ảnh: NASA).

Sau phát hiện năm ngoái của robot thám hiểm sao Hỏa của NASA, nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi tiến sĩ Rafael Navarro-González - thuộc Viện Khoa học Hạt nhân, Đại học Tự trị Quốc gia Mexico - đã công bố những phát hiện về sự ra đời và số phận của các khối xây dựng sự sống này.

Trong bài công bố trên tạp chí khoa học Journal of Geophysical Research: Planets, tiến sĩ Navarro-González cho biết các khối xây dựng sự sống nói trên có thể khởi nguồn từ vật chất các tiểu hành tinh mang tới trong các vụ va chạm nảy lửa, giống cách sự sống đã tìm đến trái đất mà một số nghiên cứu trước đó chứng minh.

Vào thời điểm đó, sao Hỏa từng có một bầu khí quyển dày làm từ hydro cổ xưa, đủ dày để bảo vệ tiền chất sự sống mà các tiểu hành tinh mang đến – nitơ – có điều kiện tồn tại và bắt đầu chuỗi phản ứng tạo ra các khối xây dựng sự sống đầu tiên. Bằng chứng là nitrat – thứ mà robot Mars Curiosity của NASA đã tìm thấy trên sao Hỏa từ năm 2015.

Trong các thí nghiệm mô phỏng mà nhóm của tiến sĩ Navarro-González, nitrat đã sinh sôi đáng ngạc nhiên khi hydro được đưa vào các thí nghiệm sốc laser mô tả tác động của các tiểu hành tinh, không cần đến oxy như hiểu biết trước đây.

Một nghiên cứu mới khác do nhà khoa học hành tinh Edwin Kite (Đại học Chicago, Mỹ) đứng đầu, vừa công bố trên tạp chí khoa học Science Advances cũng vẽ thêm một chi tiết khác lên bức tranh sống động của sao Hỏa cổ xưa: những dòng sông rộng lớn.


Bức ảnh mà nhóm nghiên cứu từ Đại học Chicago hé lộ vết tích những dòng sông - (ảnh: NASA).

Dựa vào những dữ liệu về bề mặt sao Hỏa của NASA, ông Kite và các cộng sự kết luận rằng những dòng sông thậm chí còn rộng lớn hơn sông ở trái đất đã chảy mạnh trên bề mặt hành tinh đỏ vài tỉ năm trước và thời đại sông ngòi này kéo dài đến 1 tỉ năm.

Thời ấy, sao Hỏa vẫn lạnh lẽo, thậm chí lạnh hơn ngày nay nhưng hiệu ứng nhà kính đã "bẫy" năng lượng ánh sáng mặt trời, làm tan chảy băng giá và giúp nước lỏng lưu thông dễ dàng.

Nhưng tiếc thay, vào cuối kỷ nguyên ẩm ướt, sao Hỏa càng lạnh hơn và các dòng sông đã biến mất đột ngột. Ngày nay, nó chỉ còn là hành tinh khô cằn với bầu khí quyển quá mỏng, không ngăn được bức xạ khắc nghiệt từ mặt trời khiến các sinh vật khó lòng tồn tại.

Cập nhật: 02/04/2019 Theo NLĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video