Hết vẽ tranh, viết sách, giờ đây AI còn có thể trở thành nhà soạn nhạc thiên tài

I AM AI là album mới của nghệ sĩ nổi tiếng - Taryn Southern kết hợp với một nghệ sĩ có tên là Amper. Tuy nhiên, đây không giống như một sự hợp tác điển hình giữa các nghệ sĩ thực thụ. Bởi lẽ, Amper không phải là một con người.

Nhà soạn nhạc của tương lai

“Break Free" là bản nhạc đầu tiên được phát hành trong một album mới của nghệ sĩ nổi tiếng - Taryn Southern. Bài hát này và toàn bộ album có sự góp mặt của một nghệ sĩ được biết đến với cái tên Amper.

Taryn không lạ lẫm gì với ngành công nghiệp âm nhạc và giải trí. Cô là một ca sĩ và “người kể chuyện” bằng kỹ thuật số điêu luyện. Những video của cô đăng lên Youtube có hơn 500 triệu lượt xem và cô có hơn 450 nghìn người đăng ký theo dõi.

Còn Amper là một nhà soạn nhạc, nhà sản xuất và người biểu diễn âm nhạc bằng trí thông minh nhân tạo. AI được phát triển bởi một nhóm nhạc sĩ chuyên nghiệp và các chuyên gia công nghệ, và đây là lần đầu tiên AI tự sáng tác và sản xuất toàn bộ album nhạc. Khi album này ra mắt công chúng, mọi người rất hào hứng và ngạc nhiên.


Trí tuệ nhân tạo làm nhạc sĩ. (Ảnh: Internet).

Nhà soạn nhạc Drew Silverstein - một trong những người sáng lập nên Amper, đã phát biểu trên báo chí rằng: Amper không hoàn toàn làm tất cả mọi công việc một mình, nó được thiết kế đặc biệt để có thể hợp tác với các nhạc sĩ là con người.

"Một trong những niềm tin cốt lõi của chúng tôi khi nghĩ về lĩnh vực âm nhạc đó là: Tương lai của âm nhạc sẽ được tạo ra nhờ sự kết hợp giữa con người với trí thông minh nhân tạo. Chúng tôi muốn kinh nghiệm hợp tác lần đầu tiên này sẽ thúc đẩy tiến trình sáng tạo trong âm nhạc".

Nhóm nghiên cứu còn lưu ý một điều rằng, không giống với các bài hát khác được phát hành bởi các nhà soạn nhạc là trí tuệ nhân tạo khác, cấu trúc hợp âm và những nhạc cụ trong "Break Free" hoàn toàn là tác phẩm của trí thông minh nhân tạo Amber.

Không chỉ sản xuất nhạc

Việc ra mắt album kì lạ này của Amper đã phá vỡ những hiểu biết của con người hiện tại về cách sáng tác nhạc của trí tuệ nhân tạo. Thông thường, tác phẩm gốc do trí thông minh nhân tạo làm ra - phần lớn có sự can thiệp của bàn tay con người.

Theo nhóm nghiên cứu, quá trình phát hành những album trước đây mà con người đảm nhận phần lớn công việc, khiến họ phải thực hiện nhiều thao tác bằng tay, trong đó có việc thay đổi các hợp âm và giai điệu cho đến những kí hiệu trong bài hát.

Nhưng đây không phải là trường hợp của Amper. Như nhóm nghiên cứu giải thích từ trước, các cấu trúc và thiết bị âm thanh hoàn toàn là của Amper. Những nghệ sĩ âm nhạc chỉ làm một số công việc đầu vào ít ỏi liên quan đến phong cách và nhịp điệu tổng thể của bài hát.

Và một điểm nổi bật nhất là Amper có thể tạo ra âm nhạc thông qua việc học máy chỉ trong vài giây.

I AM AI có thể là album đầu tiên được sáng tác và sản xuất hoàn toàn bởi trí thông minh nhân tạo, nhưng đây không phải là lần đầu tiên AI thể hiện sự sáng tạo trong âm nhạc hoặc trong các lĩnh vực nghệ thuật khác. Trước đây, một trí tuệ nhân tạo được gọi là Aiva đã được dạy cách sáng tác nhạc cổ điển, hay DeepBach được thiết kế để tạo ra những bản nhạc lấy cảm hứng từ nghệ sĩ baroque Johann Sebastian Bach.

Với tất cả những kết quả đó của AI, album mới phát hành này có lẽ chỉ là bước đi đầu tiên trong một kỷ nguyên âm nhạc mới - một kỷ nguyên mà con người có thể chia sẻ nghệ thuật (và thậm chí có thể cạnh tranh một cách sáng tạo và lành mạnh) với trí thông minh nhân tạo.

Mô hình soạn nhạc của OpenAI

Bên cạnh đó, OpenAI, tổ chức nghiên cứu các công nghệ, ứng dụng của AI đã giới thiệu Jukebox, mô hình sử dụng AI để soạn nhạc, viết lời bài hát theo từng thể loại.

Theo The Verge, OpenAI chọn âm nhạc bởi đây là lĩnh vực khó thực hiện. Kết quả ban đầu từ Jukebox khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ bởi ca khúc có những giai điệu, hợp âm và từ ngữ có thể nhận biết được.


Jukebox là mô hình sáng tác nhạc với lời bài hát dựa theo thể loại. (Ảnh: OpenAI).

Để thu được kết quả từ Jukebox, OpenAI sử dụng các mạng thần kinh tích chập (convolutional neural network) để mã hóa, nén các bản nhạc thô, sau đó sử dụng bộ chuyển đổi để tạo ra bản nhạc mới được nén, cuối cùng áp dụng kỹ thuật upsampling (nội suy) để đưa chúng trở lại bản nhạc thô ban đầu.

Phương pháp tiếp cận này tương tự cách OpenAI phát triển hệ thống AI soạn nhạc trước có tên MuseNet, tuy nhiên cải tiến của Jukebox là nó có thể tạo ra lời bài hát (dưới sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu).

Bên cạnh đó, trong khi MuseNet sử dụng dữ liệu nhạc MIDI thì Jukebox được huấn luyện với 1,2 triệu bài nhạc thô (trong đó 50% là nhạc tiếng Anh), kết hợp siêu dữ liệu (metadata) và lời bài hát từ LyricWiki, cùng các thông tin về nghệ sĩ, thể loại nhạc để sáng tác giai điệu, từ ngữ cho phù hợp.


Mô hình AI viết nhạc Jukebox còn được huấn luyện với nhiều thể loại nhạc, nghệ sĩ khác nhau để "học hỏi" phong cách sáng tác. (Ảnh: OpenAI).

Các nhà nghiên cứu sử dụng nhạc thô (nhạc RAW) để huấn luyện Jukebox thay vì âm thanh đặc trưng như tiếng đàn piano bởi chúng không có giọng hát như nhạc bình thường.

Tất nhiên, vẫn còn một số hạn chế với Jukebox. Dù đây là bước tiến mới trong cách AI sáng tác nhạc, khoảng cách giữa chúng và con người là khá lớn.

"Ví dụ, trong khi nhạc tạo ra (bởi Jukebox) thể hiện sự kết hợp giữa phong cách nhạc địa phương với các mẫu hợp âm truyền thống, thậm chí tạo ra những bản solo ấn tượng thì chúng tôi vẫn chưa thấy cấu trúc quen thuộc hơn như các điệp khúc lặp lại", OpenAI cho biết.

Không chỉ vậy, nhà viết nhạc Cherie Hu nhận định Jukebox có thể tạo ra những bài nhạc vi phạm bản quyền nghiêm trọng.

Dù chưa đủ khả năng thay thế con người, Jukebox đã cho thấy một ứng dụng thú vị của trí tuệ nhân tạo. Còn đó nhiều vấn đề cần giải quyết nếu các nhà nghiên cứu muốn ứng dụng mô hình này vào cuộc sống.

Cập nhật: 04/05/2020 Theo khampha/zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video