Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ số tia cực tím (UV) an toàn khi nằm trong ngưỡng 0-2 (mức gây hại thấp), tới mức 3 đã bắt đầu gây tổn thương cho da.
Chỉ số UV từ 11 trở lên, nếu tiếp xúc liên tục 10 phút với ánh nắng mặt trời mà không được bảo vệ, nguy cơ bỏng da, cháy da rất cao. Nguyên nhân do tia UVB tác động trực tiếp lên lớp thượng bì, gây các tổn thương nông và cấp tính ở da như đen sạm, đỏ da, phỏng nắng, rám nắng.
Tia UVA có thể tác động sâu vào bên trong da, làm tăng sinh men tiêu hủy cấu trúc nền MMPs, từ đó làm đứt gãy, tiêu hủy các protein dạng sợi (Collagen, Elastin, Laminin, Fibronectin) và các phân tử proteoglycan. Do đó, da không chỉ xỉn màu do cháy nắng, mà sẽ thêm nhăn - khô - sạm nám, chùng nhão, chảy xệ, thậm chí ung thư da - những hậu quả nguy hiểm mà ít người nghĩ do ánh nắng.
Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, nguyên giảng viên bộ môn Da liễu Đại học Y Dược TP HCM, trong khoảng một triệu bệnh nhân ung thư da được chẩn đoán mỗi năm tại Mỹ, có tới 70% trường hợp là do tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời.
Tia UV tấn công cấu trúc nền, khiến da nhanh lão hóa, khô, nhăn, sạm.
Theo Skin Cancer Foundation, ánh nắng mặt trời tác động lên da sẽ tích lũy qua nhiều năm tháng, tấn công làn da theo cấp số nhân, gây nên hậu quả ngày càng nghiêm trọng, sự chống chọi của da với tia UV cũng giảm dần theo thời gian. Điều này lý giải vì sao ở tuổi 20 làn da còn dày và khỏe, chỉ cần sử dụng cách chống nắng từ bên ngoài như bôi kem đã có thể đem lại hiệu quả, khi bị cháy nắng cũng nhanh phục hồi hơn. Nhưng sau tuổi 30 cùng với quá trình lão hóa tự nhiên, sự suy giảm hệ trục thần kinh nội tiết và cấu trúc nền ở da, da sẽ yếu hơn trước, dễ bị "ăn nắng" hơn và khó phục hồi vết đen sạm do cháy nắng; dễ khô và nhăn, chảy xệ hơn khi tiếp xúc với tia UV thường xuyên.
Các nhà khoa học tại Đại học Yale (Mỹ) còn công bố một sự thật gây bất ngờ: tia UV vẫn tiếp tục âm ỉ phá hủy cấu trúc nền của da trong 4 giờ nữa sau khi ngừng tiếp xúc với chúng. Tia UV còn có thể xuyên qua kính, mũ, quần áo, thậm chí tấn công làn da ngay cả khi đứng trong bóng râm, nhất là trong khung giờ 10h-15h.
Cách bảo vệ da từ bên trong
Theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, da cũng có sức đề kháng với ánh nắng, suy giảm theo độ tuổi và khác nhau giữa người này với người khác. Ngoài 30 tuổi, da bị giảm "sức đề kháng" với tia UV, việc tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím, nắng nóng sẽ khiến cấu trúc nền của da hư tổn nhanh và trầm trọng hơn. Do đó, cần áp dụng các biện pháp "tăng sức đề kháng" cho da, chống nắng từ bên ngoài chưa đủ mà phải chống nắng từ bên trong, hạn chế các tác hại nguy hiểm lên làn da và sức khỏe.
"Trong thời điểm nắng nóng, tia UV cao, mọi người cần uống nhiều nước, dinh dưỡng cân đối và có giải pháp bảo vệ làn da, đặc biệt là bảo vệ cấu trúc nền để chống nắng cho da từ bên trong", bác sĩ Bạch Sương nhấn mạnh.