Hiểm họa chết người từ methanol trong rượu lậu

Methanol nguy hiểm như thế nào?
  •  
  • 894

Chất độc methanol phổ biến trong rượu lậu chỉ khác ethanol ở số lượng nguyên tử carbon và hydro nhưng có thể gây chết người với liều lượng nhỏ.

Methanol là loại rượu tổng hợp phổ biến thường dùng trong nước làm mát và nước lau kính chắn gió, theo Live Science. Tương tự ethanol, loại cồn này thường có trong rượu, nhưng methanol lại là chất độc đối với cơ thể. Ở mức độ phân tử, nó chỉ khác ethanol ở chỗ chứa ít hơn một nguyên tử carbon và hai nguyên tử hydro, dẫn tới cách xử lý khác nhau của thận đối với hai loại rượu.

Thành phần chính của rượu uống thông thường là ethanol có công thức hóa học là C2H5OH, trong khi methanol có công thức hóa học là CH3OH. Cả hai loại rượu này đều được sản xuất bằng cách lên men và chưng cất.

Methanol trong rượu lậu là chất có độc tính cao.
Methanol trong rượu lậu là chất có độc tính cao. (Ảnh minh họa: Live Science).

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), quá trình chuyển hóa ethanol ở gan bắt đầu khi một enzym tên alcohol dehydrogenase biến đổi chất hóa học này thành một hóa chất độc khác tên acetaldehyde. Acetaldehyde được chuyển hóa nhanh và sẽ biến thành CO2 không độc và nước chỉ sau vài bước.

Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa methanol không trôi chảy như vậy. Chất hóa học này làm suy nhược hệ thần kinh trung ương theo cách tương tự như ethanol. Vì vậy, nếu sử dụng với liều lượng lớn, methanol có thể gây chết người như trong các vụ ngộ độc rượu thông thường, nhưng NIH nhấn mạnh chỉ 56 - 227 gram methanol là đủ để giết chết một người trưởng thành. Đó là do alcohol dehydrogenase biến đổi methanol thành formaldehyde.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, rượu ethanol khi vào cơ thể chuyển hóa rất nhanh, trong khi đó methanol lại ngược lại, tốc độ chuyển hóa, đào thải rất chậm (sau 7-8 ngày vẫn có thể tồn tại trong máu).

Quá trình diễn ra rất chậm, dẫn đến các triệu chứng nhiễm độc methanol đôi khi chỉ xuất hiện sau nhiều giờ hoặc nhiều ngày. Ngay khi dấu hiệu nhiễm độc xuất hiện, các phản ứng hóa học diễn ra rất nhanh, tạo ra thành phẩm cuối cùng là axit formic, loại hóa chất chậm chuyển hóa có trong vết đốt của kiến.

Sự tích tụ axit formic phá hủy dây thần kinh thị giác, có thể dẫn tới mù vĩnh viễn và thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Công thức hóa học của methanol và ethanol.
Công thức hóa học của methanol và ethanol. (Ảnh: Wordpress).

Do có độc tính, methanol đôi khi được thêm vào các sản phẩm chứa ethanol sử dụng trong công nghiệp như dung môi để loại trừ khả năng dùng làm đồ uống của chúng. Bằng cách thêm methanol, nhà sản xuất có thể tránh thuế áp dụng với đồ uống chứa cồn và bán sản phẩm với chi phí sản xuất rẻ hơn.

Một số doanh nghiệp làm ăn phi pháp và thiếu trách nhiệm thường cho methanol vào các loại đồ uống có cồn vì sản phẩm này rẻ hơn so với sản xuất ethanol. Ngoài ra, mức độ methanol cao ngoài ý muốn có thể vô tình được tạo ra trong quá trình lên men các loại đồ uống có nồng độ pectin cao, như đồ uống làm từ nho và dâu tây. Trong quá trình lên men sạch đúng cách, methanol được sản sinh ra ở mức độ thấp và an toàn. Tuy nhiên, các loại vi khuẩn khiến methanol được sản sinh ra ở các mức độ cao hơn trong các bình chứa không hợp vệ sinh.

Có nhiều hình thức ngộ độc methanol như uống rượu rởm, uống cồn sát trùng… Hầu hết các trường hợp vào viện đều rất nặng, hôn mê, nhiễm toan chuyển hóa, cá biệt có người bị tổn thương mắt, não, bị mù một bên, thậm chí đã ghi nhận cả ca tử vong.

Theo ý kiến các chuyên gia, cơ quan chức năng cần quản lý chặt cồn công nghiệp methanol, tránh tình trạng làm rượu giả bằng trộn methanol, gây tình trạng ngộ độc, ảnh hưởng nguy hiểm, lâu dài đến sức khỏe người uống.

Cập nhật: 30/07/2024 Theo VnExpress/Dân Trí
  • 894