Hiện tượng địa chất khiến Đại Tây Dương ngày càng mở rộng

Sự dâng trào của vật chất ở sâu bên dưới vỏ Trái đất đang đẩy Bắc Mỹ và Nam Mỹ tách ra xa khỏi châu Âu và châu Phi.

Các mảng kiến tạo gắn liền với châu Mỹ đang tách ra xa khỏi mảng kiến tạo bên dưới châu Âu và châu Phi ở tốc độ 4 cm mỗi năm. Nằm giữa những châu lục này là sống núi giữa Đại Tây Dương, nơi mảng kiến tạo mới hình thành, đồng thời có đường phân chia giữa những mảng kiến tạo di chuyển về hướng tây và hướng đông. Bên dưới sống núi này, vật chất dâng lên để lấp đầy khoảng trống do các mảng kiến tạo để lại khi chúng tách ra. Quá trình này thường chịu ảnh hưởng của lực hấp dẫn khi phần đặc hơn của mảng kiến tạo chìm sâu vào lòng đất. Tuy nhiên, lực tác động phía sau sự phân tách của mảng kiến tạo Đại Tây Dương vẫn là một điều bí ẩn với giới nghiên cứu bởi đại dương này không có những mảng kiến tạo đặc bao quanh.


Nhóm nghiên cứu thả địa chấn kế xuống biển. (Ảnh: Đại học Southampton).

Nhóm chuyên gia địa chấn học, đứng đầu là Đại học Southampton, tìm thấy bằng chứng về sự phồng lên ở lớp phủ, vật chất nằm giữa lớp vỏ và lõi Trái đất, từ độ sâu hơn 600km bên dưới sống núi giữa Đại Tây Dương, có thể xô đẩy mảng kiến tạo từ bên dưới, khiến các lục địa dịch ra xa nhau. Quá trình tích tụ vật chất bên dưới sống núi thường bắt nguồn từ vùng nông hơn ở độ sâu khoảng 60km. Phát hiện công bố hôm 27/1 trên tạp chí Nature cung cấp hiểu biết sâu hơn về mảng kiến tạo gây ra nhiều thảm họa tự nhiên trên khắp thế giới, bao gồm động đất, sóng thần và phun trào núi lửa.

Sử dụng hai tàu nghiên cứu RV Langseth và RRV Discovery, nhóm chuyên gia triển khai 39 địa chấn kế ở đáy Đại Tây Dương trong thí nghiệm PI-LAB (Chụp ảnh thụ động ranh giới thạch quyển và quyển mềm). Dữ liệu cung cấp ảnh chụp quy mô lớn và độ phân giải cao với lớp phủ bên dưới sống núi giữa Đại Tây Dương. Đây là một trong số vài thí nghiệm quy mô lớn dưới đại dương, cho phép nhóm nghiên cứu chụp ảnh biến dạng ở cấu trúc lớp phủ của Trái đất gần độ sâu 410 - 660 km. Tín hiệu thu được chỉ ra có hiện tượng tích tụ vật chất rất chậm ở sâu bên trong lớp phủ.

"Đây là nhiệm vụ kéo dài tổng cộng 10 tuần trên biển ở giữa Đại Tây Dương. Kết quả nghiên cứu làm sáng tỏ hiểu biết của chúng ta về mối liên hệ giữa cấu tạo bên trong của Trái đất với mảng kiến tạo, vốn chưa từng được quan sát trước đây", tiến sĩ Kate Rychert và tiến sĩ Nick Harmon đến từ Đại học Southampton cùng giáo sư Mike Kendall ở Đại học Oxford, những người chỉ đạo thí nghiệm, cho biết. Kinh phí để tiến hành thí nghiệm đến từ Hội đồng nghiên cứu môi trường tự nhiên Anh và Hội đồng nghiên cứu châu Âu (ERC). Dữ liệu thí nghiệm sẽ giúp các nhà khoa học phát triển mô hình và hệ thống cảnh báo thảm họa tự nhiên.

Cập nhật: 30/01/2021 Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video