Những hiện tượng địa chất kỳ lạ trên Trái đất

Các quá trình địa chất trên bề mặt Trái đất tạo ra nhiều hiện tượng độc đáo, gần như không thể bắt gặp ở nơi nào khác như Cổng địa ngục hoặc Thác máu.

Đá biết đi, Thung lũng Chết, Mỹ


Một khối đá biết đi và vệt rãnh mà nó để lại trên mặt đất. (Ảnh: Wikimedia).

Một trong những hiện tượng địa chất kỳ lạ là đá biết đi ở khu vực Racetrack Playa của Thung lũng Chết. Những khối đá nặng từ hàng chục tới hàng trăm kilogram dường như trượt đi, đôi khi không theo đường thẳng, trên nền sa mạc mà không có động vật tác động. Một nghiên cứu vào năm 2014 cho rằng chuyển động của đá biết đi liên quan tới sự hình thành băng mỏng ở bãi đất phẳng qua đêm. Khi băng tan chảy, mặt đất trở nên trơn trượt, chỉ cần gió nhẹ thổi qua, những khối đá sẽ trượt ngang qua bề mặt.

Vòng tròn thần tiên trên sa mạc Namib, Nam Phi

Những vòng tròn thần tiên bí ẩn ở Namibia là khoảng đất trống hình tròn có đường kính từ 1,8 đến 12 m, viền quanh là cỏ dại. Chúng trải rộng trên hơn 1.600 km khắp sa mạc Namib ở Nam Phi, một trong những vùng khô cằn nhất trên Trái đất. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện chúng ở Pilbara, Tây Australia.

Dù chưa có giả thuyết nào giải thích đầy đủ nguồn gốc của vòng tròn thần tiên, một nghiên cứu vào năm 2022 cho rằng cỏ quanh vòng tròn hút nước ra xa trung tâm, tạo ra hiệu chứng chân không cỏ ở phía trong không thể sống sót. Hình dạng tròn giúp tối đa hóa phân bố nước cho cây trồng ở rìa ngoài, khiến khoảng đất ở giữa vòng tròn trống trơn.

Cổng địa ngục, Turkmenistan


Cổng địa ngục cháy liên tục hàng thập kỷ. (Ảnh: iStock).

Cổng địa ngục (hay miệng hố Darvaza), ở Turkmenistan, là miệng hố rộng 70 m bốc cháy liên tục từ năm 1971. Hiện tượng địa chất này là một ví dụ về quá trình địa chất tự nhiên kết hợp với sự can thiệp của con người. Cổng địa ngục hình thành do tai nạn khi các nhà địa chất học khoan tìm tài nguyên thiên nhiên khiến nền đất sụp đổ, tạo ra một hố khổng lồ chứa đầy methane. Khi đó, nhóm khoa học cho rằng nó sẽ ngừng cháy sau vài ngày. Tuy nhiên, miệng hố đã cháy suốt hơn 50 năm sau đó.

Thác máu, Nam Cực


Thác máu ở sông băng Taylor, Nam Cực. (Ảnh: Wikimedia).

Một hiện tượng địa chất ấn tượng khác là Thác máu ở Nam Cực, nơi nước giàu sắt chảy xuống từ sông băng Taylor. Thác máu này hình thành khi nước biển cổ đại mắc kẹt bên dưới sông băng chảy lên bề mặt. Khi sắt trong nước mặn tiếp xúc với oxy trong không khí, nó chuyển thành màu đỏ. Thác máu là minh chứng về quá trình địa hóa học bên trong môi trường sông băng.

Tháp quỷ, Wyoming, Mỹ

Tháp quỷ hình thành khoảng 50 triệu năm trước cao khoảng 386 m so với mực nước biển, nổi tiếng với trụ đá bazan hình lục giác sừng sững. Theo một giả thuyết, Tháp quỷ ra đời thông qua quá trình địa chất mang tên sự xâm nhập magma, trong đó magma nóng chảy từ sâu trong lòng Trái đất nguội đi và cứng lại dưới lòng đất không phun trào trên bề mặt dưới dạng dung nham. Theo thời gian, khối magma cứng lại lộ ra, tạo nên hình dạng đặc trưng của tháp trong khi đá ở xung quanh như đá cát kết bị xói mòn.

Cập nhật: 12/11/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video