Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những sự việc kỳ lạ bên trong núi lửa Helens ở Washington. Ngọn núi lửa này từng phun trào những đợt rất mạnh mẽ trong quá khứ, nhưng giờ đây phần bên trong của nó rất lạnh lẽo.
Nhóm các nhà địa chất đến từ Đại học New Mexico phát hiện hiện tượng kỳ lạ khi ngọn núi lửa Helens lấy nguồn nhiệt từ một nơi khác. Hiện họ vẫn chưa biết rõ lý do tại sao hiện tượng này lại xảy ra.
"Hiện tượng này chưa từng được phát hiện hay cũng chưa từng được xảy ra ở các núi lửa khác. Một núi lửa lại đi lấy nguồn nhiệt từ một nơi khác thì thật là một hiện tượng khó hiểu", nhà địa chất học Steven Hansen cho biết.
Trong quá khứ, những đợt phun trào mạnh mẽ của núi lửa Helens đã làm 57 người chết vào năm 1980 và dẫn đến thiệt hại vật chất đến hàng tỷ đô la.
Núi lửa Helens có quá khứ đáng sợ với những đợt phun trào dữ dội, được đặt trên một tấm nền lạnh giá. (Ảnh: Valeriy Poltorak).
Vị trí của núi lửa Helens được đặt tại vòng cung Cascade – một chuỗi núi lửa chạy song song với khu vực đới hút chìm Cascadia từ California đến British Columbia. Điều kỳ lạ là núi lửa Helens lại được hình thành ở 50km về phía Tây của phần vòng cung, tức là ở một vị trí thật hoàn hảo theo trật tự hướng Bắc-Nam.
Vòng cung Cascade nằm ở vùng hoạt động địa chất mạnh, nơi mảng kiến tạo Juan de Fuca đẩy tấm nền Bắc Mỹ ở phía trên, khiến vật chất bị thiêu đốt ở nhiệt độ nóng chảy và trở thành dung nham. Nhưng núi lửa Helens lại nằm trên một mảng lạnh và các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được tại sao nó lại nằm ở vị trí như thế.
Để tìm hiểu những gì đang diễn ra. Năm 2014, Hansen và nhóm của ông đã triển khai hàng ngàn cảm biến đặt xung quanh núi để đo chuyển động của mặt đất. Sau đó, họ khoan 23 lỗ vào núi lửa, rồi đổ vào đó một ít chất nổ để tạo những trận động đất nhân tạo ở mức độ nhỏ.
Thí nghiệm này cho phép họ theo dõi chính xác cách thức các sóng địa chấn đi qua các cấu trúc bên trong của núi, từ đó hiểu biết được về nhiệt độ và các loại vật chất bên trong núi. Những làn sóng địa chấn thu được cho ra hình dạng khá kỳ lạ, thay vì một lớp magma nóng bên dưới núi lửa, nhóm nghiên cứu lại phát hiện thấy một lớp vật chất lạnh của đá serpentine.
Với lịch sử đầy những đợt phun trào dữ dội, kết quả thu được thật sự không có ý nghĩa và chẳng giải thích được điều gì. Kết quả đặt thêm những câu hỏi mới cho các nhà nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu cho rằng nguồn gốc magma trong núi lửa có thể nằm về phía Đông của núi, gần với phần còn lại của vòng cung Cascade. Nơi đây có magma với nhiệt độ lên tới 800 độ C.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nguồn gốc magma trong núi lửa có thể nằm về phía Đông của núi.
Vậy là từ đây các nhà địa chất dẫn đến một giả thuyết rằng magma di chuyển một quãng đường đến 50km về phía Tây để đưa vào bên trong núi lửa Helens rồi phun trào. Đây là hiện tượng kỳ lạ chưa giải thích được.
Các nhà địa chất hiện đang tiếp tục theo dõi những trận động đất sẽ xảy ra trong tương lai để thu thập được hình ảnh về sự dịch chuyển của các dòng magma bên dưới núi lửa Helens. Từ kết quả của núi lửa Helens, chúng ta sẽ hiểu biết thêm được nhiều núi lửa khác trên thế giới.