Video được ghi lại ở Công viên quốc gia Tadoba, bang Maharashtra (Ấn Độ), cho thấy một con hổ trưởng thành đã gặp khó khăn thế nào khi đối mặt với gấu đen.
Trong đoạn video, có thể thấy con hổ là kẻ chủ động tiến đến, đánh vỡ sự yên bình của một cặp gấu đen, thuộc giống gấu đen Tây Tạng.
Bất chấp việc con gấu ra sức đe dọa, hổ vẫn tiến đến và nhanh chóng khống chế được con mồi bằng cơ bắp mạnh mẽ, móng vuốt sắc nhọn.
Trong một phân đoạn, con hổ cắn được vào phần gáy của gấu, và cố gắng để lật ngửa nó xuống đất.
Tuy nhiên, sức mạnh và sự dẻo dai của gấu giúp nó bám trụ lại trận chiến. Có thể thấy rằng nó chủ động thu người lại thành một khối để không bị rơi vào tình thế nguy hiểm, dù lựa chọn này khiến nó gần như không thể gây tổn hại cho hổ.
Sau khi vắt kiệt sức mà vẫn chưa thể hạ gục được kẻ địch, con hổ bắt đầu tỏ ra mệt mỏi thấy rõ, như muốn bỏ cuộc.
Lúc này, con gấu mới lấy lại thế chủ động. Nó dùng hơi sức còn sót lại để lao tới, đuổi cho kẻ địch phải nhảy xuống con sông gần đó để rút lui.
Rõ ràng, hổ dù mạnh mẽ là thế nhưng vẫn không thể dễ dàng đối phó với một đối thủ to con và khỏe như "đô vật" thực thụ.
Con hổ chủ động tiến đến, tấn công gấu đen.
Gấu đen Tây Tạng, còn được biết đến với tên gọi gấu đen Himalaya, hay gấu đen châu Á, là loài gấu kích thước trung bình, vuốt sắc, màu đen với hình chữ "V" đặc trưng màu trắng hay kem trên ngực.
Gấu đen có chiều dài khoảng 1,3 - 1,9m. Con đực cân nặng khoảng 110 - 150 kg còn con cái nhẹ hơn, khoảng 65 - 90 kg.
Chúng là loài ăn tạp, chủ yếu ưa thích quả mọng, mật ong, cỏ, hạt, quả hạch, cho đến động vật thân mềm, thịt, cá, chim, động vật gặm nhấm cũng như các động vật có vú nhỏ.
Chúng được biết đến như là những con thú rất hung hăng, đôi khi tấn công người. Tuy nhiên, đây có lẽ là hệ quả do nạn phá rừng, khiến gấu mất chỗ sinh sống và bị buộc phải sống gần với con người.
Gấu đen châu Á được đưa vào danh sách trong sách đỏ của IUCN (Hiệp hội bảo tồn thế giới) như là một trong những loài dễ bị thương tổn, trong số các động vật đang bị đe dọa.