Hoa nở trong nhà

Một loài hoa với đa dạng màu sắc, có cánh đơn cánh kép rất đẹp mắt; có thể nở và sống dưới ánh sáng trắng, ánh sáng nhân tạo và rất “chịu” môi trường máy lạnh. Tại Việt Nam, loại hoa này được gọi bằng một cái tên rất dễ thương: Tử linh lan

PGS-TS Bùi Văn Lệ, đang chỉ dẫn cho sinh viên cách nhân giống loài hoa tử linh lan (Ảnh: NLĐ)

Với dân số khoảng 8 triệu người, TPHCM đang đứng trước thực trạng môi trường sống ít dần cảnh quan thiên nhiên. Vì vậy, hoa cảnh, cây cảnh để trong phòng là nhu cầu có thật. Nhưng những loài hoa như phong lan, cúc, đồng tiền... chỉ chưng mà không thể “nuôi” sống được trong không gian bít bùng của các cao ốc hay dưới ánh sáng điện. Hoa cảnh có thể trồng và trổ bông được trong phòng là đề tài thách thức khá nhiều nhà khoa học Việt Nam. TS Bùi Văn Lệ, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, với việc nhân giống thành công loài hoa Saintpaulia (tử linh lan) tại Việt Nam đã mang lại niềm vui cho nhiều người yêu cây cảnh.

Một loài hoa đẹp

Tử linh lan tên khoa học là Saintpaulia Ionantha, rất được ưa chuộng tại châu Âu, châu Mỹ với cái tên rất đẹp: African Violet. Theo thống kê của Hội Cây hoa cảnh Mỹ, năm 2004, tử linh lan đưa lại doanh thu 21 triệu USD/năm, xếp thứ 7 sau các loài hoa như: hồng, ly ly, đỗ quyên, cúc, trạng nguyên... Tại các nước Đức, Pháp, Ý, hoa tử linh lan có trên 1.000 loài với hơn 1.500 màu sắc khác nhau. Tử linh lan rất đẹp, hoa đơn chỉ có 1 cánh nhỏ màu tím xanh, có 5 thùy không đều nhau; hoa lẻ thì có 5 cánh bằng nhau và nhị hoa hữu thụ... Cũng như bao người đam mê cây cảnh khác, TS Lệ muốn tìm hiểu về loài hoa này. Trong một chuyến công tác tại Pháp năm 2003, TS Lệ đã mua vài cây mang về, chủ ý là dùng cho sinh viên thực tập nhân giống. Nhưng rồi, màu sắc và sức chịu đựng của hoa đã khiến cho TS Lệ nghĩ đến việc nhân giống để đưa ra thị trường. Đầu năm 2004, những cây hoa tử linh lan đầu tiên đã được trồng và trổ bông trên đất nước Việt Nam.

Thuần hóa hoa


Tử linh lan - Saintpaulia Ionantha (Ảnh: toptropicals.com)

Khi nói về cái tên Việt Nam rất đẹp của Saintpaulia Ionantha, TS Lệ kể: Là người nhân giống đầu tiên loài hoa này tại VN nhưng tôi cũng lúng túng trong cách gọi. Thật may, khi hoa đi vào hội chợ, một vài người đặt tên “tử linh lan”. Thế là thay cái tên khoa học dài, khó gọi bằng một cái tên dễ gọi, dễ nhớ và rất phù hợp với loài hoa này. Theo TS Lệ, tên gọi tử linh lan xuất phát từ một bộ phim truyện Hàn Quốc được chiếu tại VN. Bộ phim này kể về một đôi trai gái yêu nhau nhưng phải chia xa và họ tặng cho nhau cây hoa này, ngụ ý hoa lâu tàn, chịu được mọi thời tiết nên tình người cũng thủy chung sắt son.

TS Lệ cho biết ban đầu khi mang loài hoa này về, hoa chỉ thích hợp với thời tiết mát từ 20-25oC; rất khó trồng ở TPHCM, chỉ phù hợp với thời tiết ở Đà Lạt. TS Lệ đã nhân giống và cho cây thử thách ở những nhiệt độ nóng hơn... Với việc tạo những giống cây mới trên cơ sở những cây gốc, TS Lệ đã “thuần hóa” được những cây tử linh lan mang về từ Pháp, bắt hoa thích ứng với thời tiết nóng ẩm của Việt Nam. Đến nay, bộ sưu tập tử linh lan của TS Lệ đã có 20 loài, cây xanh quanh năm với rất nhiều màu hoa mới: trắng, tím, xanh, cam...

Ra hoa cả dưới ánh sáng trắng

Một đặc trưng mà khó có loài hoa nào có được như tử linh lan là có khả năng ra hoa dưới ánh đèn nhân tạo suốt năm, sống được trong không khí phòng ở, phòng làm việc và rất “chịu” máy lạnh. Năm 2005, TS Lệ đã vi nhân giống khoảng 20.000 cây con. Theo đó, phương pháp tiến hành vi nhân giống của TS Lệ là: cấy lá, cuống, tạo chồi, tái sinh cây ra rễ, sau đó cho ra vườn ươm. Hiện nay, tại một số phòng ở, phòng làm việc của TPHCM đã có sự hiện diện của loại hoa này.

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã tiến hành nghiệm thu dự án “Sản xuất thử nghiệm loài cây cảnh mới Saintpaulia Ionantha”. Theo Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, loài hoa này có khả năng nhân giống đại trà và sẽ phát triển để đưa thành thương phẩm. Hiện TS Lệ đang mở rộng việc nhân giống từ 20.000 cây/ năm lên 40.000 cây/ năm và cây trồng thành phẩm đã được thực hiện tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi - TPHCM.
Theo Người lao động
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video