Mưa tại chỗ, trong từng vùng nhỏ thường chỉ gây lụt lội nhẹ, nhưng nước mưa ở vùng khác, vùng thượng nguồn, vùng cao tràn về thường là nguyên nhân gây lụt lội nghiêm trọng.
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Nước tràn về một cách tự nhiên do độ cao thấp của đất và cũng có thể vì các kênh, sông thoát nước không kịp. Cũng có thể nước dâng cao vượt qua bờ đê hay đê vỡ, nước tràn vào những vùng dân cư, canh tác, vùng trũng nằm sát bên sông gây lụt lội. Nước tràn thường chảy xiết (như nước xả lũ, vỡ đập ở thượng nguồn, nước mưa từ thượng nguồn rừng núi đổ về...) không những gây lụt lội cản trở giao thông mà còn cuốn tất cả mọi thứ trên đường đi của nước. Hiện tượng này được gọi là lũ lụt hay lũ quét.
Để tránh lũ lụt
1 - Tìm cách lái dòng nước từ các vùng khác tràn về theo những con đường dẫn, đường thoát định sẵn, tránh để chảy qua những vùng dân cư, vùng canh tác, vùng trũng.
2 - Tăng cường khả năng tiêu thoát nước của các kênh, sông để có thể đáp ứng các trường hợp bất thường như xả lũ, vỡ đập ở thượng nguồn, mưa to, mưa trên diện rộng hay dông bão.
Lũ lụt xảy ra do độ cao thấp tự nhiên của đất, do hệ thống tiêu thoát nước (cụ thể là hệ thống kênh sông) không tiêu kịp lượng nước tràn về. |
Kinh nghiệm trị thủy của người Nhật
Núi non ở Nhật Bản chiếm 4/5 diện tích đất, rất ít đồng bằng rộng lớn, tất cả khu dân cư, canh tác, sản xuất đều nằm sát chân núi, nằm giữa những vùng lòng chảo hay trên đường thoát của nước mưa vùng núi thượng nguồn đổ về.
Người Nhật đã áp dụng cách trị thủy như sau: tại vùng lòng chảo người ta thường đào những con kênh sát chân núi để gom nước mưa từ trên các triền đồi núi đổ xuống, dẫn ra các con sông tiêu thoát, không cho chảy tràn tự do tới những khu cư dân hay nơi canh tác.
Các con sông tiêu thoát nước của Nhật có cấu trúc cho phép ứng phó một cách mềm mỏng với sự thất thường của thời tiết. Mùa cạn, và cả những ngày không mưa, sông rất ít nước, dòng chảy rộng khoảng 50m, sâu khoảng 1m vì nước mưa thoát đi rất nhanh sau khi mưa. Khi mưa hay dông bão, nước sông tăng rất nhanh nhưng vẫn tiêu thoát hết một cách an toàn nhờ cấu trúc đê có thể mở rộng tức thời khẩu độ thoát nước (bề ngang của dòng chảy) như hình vẽ bên. Qua hình vẽ ta thấy khả năng tiêu thoát nước của các sông tại Nhật lớn hơn nhiều so với VN.
Hơn thế những bãi sông vẫn được sử dụng để canh tác trồng hoa màu ngắn hạn tránh lũ (đất vô cùng màu mỡ, đầy phù sa) hay sử dụng làm sân đá bóng, đá cầu, công viên ... Bờ đê được đúc bêtông với móng sâu phía dưới, an toàn, không tốn kém, không bị sạt lở.
Liệu chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của người Nhật để tránh cho miền Trung tai ương lũ lụt không? Tất nhiên sẽ có nhiều trở ngại, khó khăn vì thiên nhiên, con người, tài chính, kỹ thuật... nhưng chắc chắn có thể làm được, làm từ từ, làm từng vùng cho tới khi có thể chủ động phòng, chống lũ lụt.