Ảnh vệ tinh hé lộ rằng đảo Mesyatsev, vốn là một tảng băng lớn ở Bắc Cực, có thể đã tan chảy hoàn toàn do biến đổi khí hậu.
Một nhóm học sinh và sinh viên đại học phát hiện đảo Mesyatsev của Nga ở Bắc Cực biến mất khi so sánh các ảnh vệ tinh của khu vực này cho dự án giáo dục RISKSAT của Viện Hàng không Moscow, Live Science hôm 8/11 đưa tin.
Đảo Mesyatsev, thực chất là tảng băng tách ra từ đảo Eva-Liv, nổi trên biển. (Ảnh: Alexandra Barymova/Trung tâm Nghiên cứu Biển thuộc Đại học Tổng hợp Lomonosov Moscow).
Đảo Mesyatsev là một tảng băng và bụi nằm gần đảo Eva-Liv lớn hơn trong quần đảo Franz Josef Land - quần đảo Nga gồm khoảng 190 đảo ở Bắc Băng Dương. Hòn đảo nhỏ này từng là mũi băng dính liền với "hàng xóm" lớn Eva-Liv, nhưng có thể đã tách ra trước năm 1985, theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Geosciences năm 2019.
Năm 2010, đảo Mesyatsev có diện tích bề mặt khoảng 1,1 triệu m2 - tương đương khoảng 20 sân bóng bầu dục Mỹ. Tuy nhiên, khi xem xét loạt ảnh vệ tinh mới chụp vào ngày 12/8/2024, nhóm học sinh sinh viên nhận thấy hòn đảo chỉ còn 30.000m2, giảm hơn 99,7% so với 14 năm trước. Đến ngày 3/9, những hình ảnh mới hơn cho thấy hòn đảo đã hoàn toàn biến mất, theo Hiệp hội Địa lý Nga. Các sinh viên đã so sánh các bức ảnh vệ tinh trong dự án RISKSAT do Viện Hàng không Moscow quản lý.
Nguyên nhân hòn đảo biến mất có thể là nhiệt độ tăng do tình trạng biến đổi khí hậu mà con người gây ra, theo Alexey Kucheiko, nhà nghiên cứu tại Viện Hàng không Moscow. "Hòn đảo đã hoàn toàn tan chảy", ông nói.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 19/8/2015 (trái) và ngày 13/9/2024 (phải) cho thấy đảo Mesyatsev biến mất. (Ảnh: Hiệp hội Địa lý Nga/RISKSAT).
Đảo Mesyatsev bắt đầu tan chảy kể từ khi tách khỏi Eva-Liv, nhưng tốc độ tan chảy đã tăng lên trong thập kỷ qua. Năm 2015, diện tích đảo đo được là khoảng 530.000m2, chưa đến 1/2 tổng diện tích năm 2010. Đến năm 2022, hòn đảo thu nhỏ tới mức các nhà nghiên cứu ngừng theo dõi vì cho rằng nó sẽ sớm biến mất. Do đó, việc hòn đảo vẫn hiện diện trong ảnh vệ tinh mà các sinh viên quan sát vào tháng 8 năm nay khiến họ ngạc nhiên.
Các nhà nghiên cứu không chắc chắn tại sao hòn đảo tồn tại lâu hơn dự kiến. Tuy nhiên, một giả thuyết cho rằng lớp bụi phía trên đảo có thể đã bị sóng hoặc nước mưa cuốn đi, giúp nó giảm tốc độ tan chảy. Lớp bụi này từng khiến hòn đảo tối đi vào năm 2021, do đó hấp thụ nhiều bức xạ Mặt trời hơn. Lớp bụi có thể được thổi đến hòn đảo, hoặc thoát ra từ băng tan chảy.