Huy động mọi thiết bị tối tân tìm máy bay AF 447

Từ chiến hạm hạng nhẹ Constitution, tàu cao tốc lớp Grajau, trực thăng Black Hawk tới tàu ngầm nguyên tử SNA Emeraude và hệ thống vệ tinh của Mỹ đều vào cuộc tìm kiếm dấu vết chiếc máy bay xấu số AF 447.

Sau bao nỗ lực, các lực lượng Pháp và Brazil đã tìm thấy hai thi thể được cho là hành khách trên chuyến bay Airbus A330-200 số hiệu AF 447 của hãng hàng không Air France, chở 228 người từ Brazil đến Pháp, mất tích trên Đại Tây Dương đêm 31/5.

Để có được kết quả này, không quân, hải quân nhiều nước đã phải huy động nhiều máy bay, tàu chiến, tàu ngầm cùng những trang thiết bị hiện đại phục vụ tìm kiếm. Tuy nhiên, người ta đang lo ngại, chiếc hộp đen có thể không bao giờ được tìm thấy vì nhiều khả năng nó đã bị chìm sâu dưới lòng đại dương.

Theo BBC, ngay sau khi máy bay A330 mất tích, chính phủ Pháp đã cử một máy bay tuần tra do thám Breguet Atlantique II từ Senegal và hai chiếc khác từ Pháp, gồm Breguet Atlantique II và Falcon 50 đến khu vực trung tâm Đại Tây Dương nhằm tìm kiếm dấu vết của chiếc máy bay lâm nạn. 

Chính phủ Pháp và nước bạn đã huy động lực lớn thiết bị tối tân vào cuộc tìm kiếm.

Brazil đã triển khai 6 máy bay và hai trực thăng tìm kiếm trên vùng biển này, trong đó, có loại trực thăng chiến đấu tối tân Black Hawk. Hãng tin AFP và AP cũng cho biết, một máy bay quân sự Brazil được lắp thiết bị quan sát trong đêm đã phát hiện ra điểm rơi của chiếc Airbus A330. “Chúng tôi sẽ làm việc liên tục và cố gắng hết sức, mong có thể tìm thấy được có ai đó còn sống”, ông Colonel Jorge Amaral thuộc Không quân Brazil nói.

Ngoài không quân, hải quân Pháp và Brazil cũng điều chiến hạm hạng nhẹ Constitution, tàu cao tốc lớp Grajau tới khu vực được cho là nơi máy bay rơi.

Bên cạnh đó, hàng loạt tàu và máy bay của Tây Ban Nha, Senegal cũng tham gia tìm kiếm. Tất cả đều có sự hỗ trợ từ các hình ảnh vệ tinh của Mỹ. Washington cũng điều máy bay quan sát cùng một toán cứu nạn tham gia hoạt động này.

Phát ngôn viên Không quân Brazil hôm 6/6 thông báo tìm thấy hai thi thể đàn ông và một số đồ vật liên quan tới chuyến bay gồm: một vali, trong có vé bay của Air France, một máy tính cá nhân cùng một số chiếc ghế ngồi màu xanh và mặt nạ dưỡng khí, gần đảo Fernando de Noronha, cách bờ biển Brazil khoảng 1.100 km, vị trí này không xa với địa điểm máy bay đã phát đi thông điệp điện tử cuối cùng.

Phía Air France xác nhận chiếc vé máy bay này đúng là của một hành khách trên chuyến bay định mệnh hồi cuối tuần qua. Còn về một số chiếc ghế, cơ quan hàng không Pháp đang cho kiểm tra số hiệu để xem có đúng nó rơi ra từ chiếc máy bay xấu số hay không.

Bộ trưởng Giao thông Pháp Dominique Bussereau khẳng định: “Chúng tôi phải làm mọi thứ để có thể tìm thấy thiết bị ghi dữ liệu bay. Tuy nhiên, thời gian dường như không ủng hộ chúng tôi”.

Với hy vọng “còn nước còn tát”, ngày 5/6, hai chiếc tàu khác của Brazil đã tới vùng biển Đại Tây Dương tham gia cùng ba chiếc khác đến trước đó để tham gia chiến dịch tìm kiếm mảnh vỡ và hộp đen máy bay. 

Tàu Pourquoi Pas quần thảo tại khu vực được cho là máy bay mất tích.

Cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông Pháp thông báo, Viện Nghiên cứu Tài nguyên biển của Pháp đã cử tàu Pourquoi Pas tới khu xác định máy bay A330 rơi trên Đại Tây Dương. Tàu này mang theo hai tàu ngầm cỡ nhỏ Nautile, có khả năng hoạt động ở độ sâu gần 6.000 m và tàu rô bốt có điều khiển Victor-6000.

Những chiếc tàu ngầm cỡ nhỏ và rô bốt này từng tham gia chiến dịch “lật lại” vụ đắm tàu Titanic vào các năm 1987, 1993, 1994, 1996 và 1998. Ngày 12/6, tàu Pourquoi Pas sẽ tới khu vực được xác định là điểm rơi máy bay.

Hãng AFP ngày 6/6 dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Herve Morin cho biết, Pháp sẽ phái cả tàu ngầm nguyên tử SNA Emeraude đi tìm máy bay A330. Tàu ngầm nguyên tử này được trang bị nhiều phương tiện và thiết bị do thám tối tân, sẽ hỗ trợ các lực lượng cứu hộ trong việc tìm kiếm hai chiếc hộp đen của chiếc máy bay xấu số.

Quyết định trên được Pháp đưa ra sau khi quân đội Brazil cho biết, các mảnh vỡ cũng như vệt dầu loang tìm được trên biển trong những ngày qua không phải là từ chiếc máy bay Airbus A330.

Theo Phủ Tổng thống Pháp, hiện các lực lượng cứu hộ và hải quân hai nước Pháp và Brazil đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm do dòng nước biển di chuyển nhanh với vận tốc 100 km mỗi giờ về phía tây, trong khi tàu của hải quân chỉ chạy được với tốc độ 30 km mỗi giờ.

Bộ trưởng Môi trường Pháp Jean Louis Borloo cho hay: “Đây là cuộc chạy đua với thời gian. Chiếc hộp đen của máy bay được thiết kế để phát ra tín hiệu siêu âm trong vòng 30 ngày sau khi máy bay rơi, do đó cần phải tìm gấp hộp đen để xác định nguyên nhân tai nạn”. Ông Borloo cũng thừa nhận, đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi đại dương quá sâu và các dòng nước chảy rất mạnh.

Pourquoi Pas với hai màu xanh trắng, dài 107 m, là chiếc tàu hải dương học hiện đại nhất thế giới. Nó được đóng vào tháng 12/2002 tại Saint-Nazaire, theo đặt hàng của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp thời đó là Michèle Alliot-Marie, và xuất xưởng tháng 7/2005.

Tàu Pourquoi Pas thực hiện nhiệm vụ đầu tiên vào năm 2006, với chuyến vượt biển tiến hành đo đạc bản đồ ngoài khơi đảo Antille và Guyane; sau đó, đi về hướng Bắc để truy tìm những chất có chứa khí hydrat ngoài khơi Na Uy. Mỗi năm, tàu Pourquoi Pas phục vụ hải quân Pháp 150 ngày và ngành hải dương học 180 ngày.

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video