Khắc phục ô nhiễm bằng… cỏ

Cải xanh, dương xỉ, cỏ vetiver, cỏ màn trầu… được sử dụng để khắc phục ô nhiễm kim loại nặng trên những vùng đất khai thác và chế biến quặng.

Đây là nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam).

Theo kết quả nghiên cứu, chỉ sau 2 - 3 năm các vùng đất đã khai thác quặng, kim loại nặng trong đất sẽ được cây hấp thụ hoàn toàn. Kết quả thử nghiệm tại một số mỏ quặng ở Thái Nguyên cho thấy kim loại nặng như asen, chì, cadimi và kẽm (As, Pb, Cd và Zn) được xử lý đáng kể.

GS.TS Đặng Đình Kim, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Công nghệ môi trường, chủ nhiệm đề tài, cho biết từ năm 2007, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ môi trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu thực hiện đề tài “Nghiên cứu sử dụng thực vật để cải tạo đất bị ô nhiễm kim loại nặng tại các vùng khai thác khoáng sản" (thuộc Chương trình KH - CN trọng điểm cấp nhà nước về tài nguyên, môi trường và thiên tai - KC 08.04/06-10).

Trong năm 2007 và 2008, các nhà khoa học lấy hàng trăm mẫu đất và cây tại các vùng mỏ (mỏ than núi Hồng xã Yên Lãng, mỏ thiếc xã Hà Thượng - huyện Đại Từ; mỏ sắt Trại Cau và mỏ chì, kẽm làng Hích - huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) để phân tích thành phần, hàm lượng kim loại nặng. 

Nhà khoa học kiểm tra mô hình trồng dương xỉ tại xã Hà Thượng, Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh: Mạnh Đồng


Kết quả cho thấy mỏ than núi Hồng là điểm nóng về ô nhiễm asen trong đất. Tại đây, có hàm lượng asenđạt từ 202 - 3.690 ppm (1ppm = 1 phần triệu), cao gấp hơn… 300 lần so với Tiêu chuẩn Việt Nam về hàm lượng asen trong đất…

Mỏ thiếc xã Hà Thượng bị ô nhiễm asen nghiêm trọng, có nơi hàm lượng asen trong đất cao gấp 1.262 lần Tiêu chuẩn Việt Nam!

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng thu thập 157 loài thực vật trên các bãi thải quặng và các vùng phụ cận. Qua đó, chọn lọc được 33 loài cây có thể sống được trên nền đất ô nhiễm cao.

Kết quả phân tích cho thấy, có 2 loài thuộc họ dương xỉ (tên khoa học là Pteris vittata và Pityrogramma calomelanos) và cỏ màn trầu (tên khoa học là Eleusine indica) có khả năng tích lũy kim loại nặng, hàm lượng asen lên đến 5.876ppm và trong rễ là 2.642ppm. Còn cỏ màn trầu có thể được sử dụng như giải pháp phục hồi cho những vùng đất bị ô nhiễm chì và kẽm.

Nghiên cứu cho thấy cỏ vetiver cũng có khả năng chống chịu vùng ô nhiễm chì rất cao (trồng thí nghiệm trong đất nhiễm từ 1.400ppm đến 2.530ppm, cỏ vẫn phát triển tốt).

Đây là cơ sở để các nhà khoa học tiên hành nghiên cứu, trồng thử nghiệm các loài cây này với mục đích phục hồi những vùng đất bị ô nhiễm kim loại nặng, đặc biệt là những vùng khai khoáng.

Sau khi chọn lọc và phân tích, các nhà khoa học trồng thử nghiệm cỏ vetiver và dương xỉ Pteris vittata tại làng Hích với diện tích hơn 600m2.

Ở xã Hà Thượng, các nhà khoa học cũng trồng thử nghiệm khả năng hấp thụ asen của 2 loài dương xỉ Pteris vittata, Pityrogramma calomelanos và cỏ vetiver trên diện tích hơn 700m2.

Kết quả đo kiểm tại xã Hà Thượng cho thấy, sau khi trồng thử nghiệm 4 tháng, hàm lượng asen trong đất giảm từ 5.606,31ppm xuống còn 4.521ppm.

Từ kết quả này, nhóm nghiêm cứu tiếp tục hoàn thiện quy trình công nghệ nhân giống 2 loài dương xỉ bản địa, cỏ màn trầu, cỏ vetiver để phục hồi đất bị ô nhiễm kim loại nặng.

Hiện các nhà khoa học đề xuất lên Chính phủ và các đơn vị khai thác, chế biến quặng sớm triển khai việc ứng dụng thực vật trong xử lý ô nhiễm môi trường đất.

Kết quả thăm dò địa chất trên cả nước cho thấy có khoảng 5.000 mỏ và điểm quặng, trong đó có khoảng 1.000 mỏ đã và đang được khai thác. Riêng diện tích đất đã ngừng khai thác lên tới 3.749ha. Tuy nhiên, rất ít vùng đất sau khi khai thác được hoàn thổ, hoặc chất lượng kém, không đáp ứng cho việc canh tác.

Theo Báo Đất Việt
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video