Bệnh zona thần kinh - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh zona thần kinh là gì?

Zona thần kinh là bệnh nhiễm trùng do virus varicella-zoster, cũng là virus gây bệnh thủy đậu. Ngay cả sau khi bạn đã hết thủy đậu, virus vẫn có thể sống trong hệ thần kinh trong nhiều năm trước khi tái hoạt lại gây ra bệnh zona.

Bệnh zona cũng có thể được gọi là herpes zoster. Đây là bệnh nhiễm trùng do virus được đặc trưng bởi dấu hiệu phát ban da màu đỏ gây đau và rát. Bệnh zona thường có biểu hiện là một dải mụn nước ở một bên của cơ thể, thường trên thân, cổ hoặc khuôn mặt.

Sau khi bệnh nhân bị thủy đậu hay nhiễm virus VZV, nó sẽ ngủ yên ở bên trong các nhánh dây thần kinh cột sống và não. Sau này, virus có thể bị kích hoạt (hệ miễn dịch của bệnh nhân thay đổi, yếu đi hay tăng lên khi cơ thể nhiễm trùng), khiến zona thần kinh (giời leo) xuất hiện.

Bệnh nhân mắc zona thần kinh có thể lây cho người khác do tiếp xúc trực tiếp. Các mụn nước khi vỡ có thể chứa virus và lây nhiễm bệnh cho người khác. Tuy nhiên, người nhiễm virus này sẽ bị bệnh thủy đậu, không phải giời leo. Vì vậy, bệnh nhân mắc zona thần kinh nên tránh tiếp xúc người khác. Khi các vết mẩn lành hẳn, khả năng lây nhiễm của chúng sẽ ít đi.

Bệnh này không phải là một tình trạng đe dọa tính mạng nhưng có thể gây đau. Vắc-xin có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh zona, điều trị sớm có thể giúp rút ngắn thời gian nhiễm bệnh và giảm nguy cơ biến chứng.

Triệu chứng của zona thần kinh


Các triệu chứng zona thần kinh đầu tiên và đáng chú ý nhất thường là đau và nóng rát.

Các triệu chứng zona thần kinh đầu tiên và đáng chú ý nhất thường là đau và nóng rát. Cơn đau thường điển hình ở một bên cơ thể và xuất hiện từng mảng nhỏ, theo sau là phát ban đỏ.

Các biểu hiện phát ban bao gồm:

  • Các mảng đỏ.
  • Bóng nước đầy dịch và dễ vỡ.
  • Phát ban khu trú xung quanh từ cột sống đến thân mình.
  • Phát ban trên mặt và tai.
  • Ngứa.

Một số người có dấu hiệu và triệu chứng ngoài đau và phát ban. Những triệu chứng này có thể bao gồm:

  • Sốt.
  • Ớn lạnh.
  • Nhức đầu.
  • Mệt mỏi.
  • Yếu cơ.

Một số biến chứng hiếm và nghiêm trọng khác bao gồm:

  • Đau hoặc phát ban có liên quan đến mắt, cần được điều trị để tránh tổn thương mắt vĩnh viễn.
  • Mất thính lực hoặc đau ở một tai dữ dội, chóng mặt hoặc mất vị giác, có thể là triệu chứng của hội chứng Ramsay Hunt;
  • Nhiễm trùng vi khuẩn, bạn có thể gặp phải nếu làn da trở nên đỏ, sưng và ấm khi chạm vào.

Nguyên nhân gây bệnh zona thần kinh

Bệnh zona là một bệnh do virus varicella-zoster, cũng là virus gây bệnh thủy đậu. Bất kỳ ai bị bệnh thủy đậu có thể mắc bệnh zona. Sau khi phục hồi từ bệnh thủy đậu, virus sau đó có thể xâm nhập vào hệ thần kinh và ngủ trong đó nhiều năm. Cuối cùng, nó có thể kích hoạt lại và đi dọc theo đường thần kinh đến da và tạo ra các bóng nước.

Cho đến nay, nhà khoa học vẫn chưa biết được lý do bệnh tái hoạt lại là gì, có thể là do khả năng miễn dịch phản ứng với nhiễm trùng bị suy giảm khi bạn già đi. Varicella-zoster là một phần của một nhóm vi khuẩn được gọi là virus herpes, bao gồm các loại virus gây mụn rộp và herpes sinh dục. Vì vậy, bệnh zona còn được gọi là herpes zoster.

Tuy nhiên, virus gây bệnh thủy đậu và bệnh zona không phải là virus gây ra mụn rộp hoặc herpes sinh dục, một tình trạng nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.


Hầu hết các ca bệnh zona tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.

Nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh

Hầu hết các ca bệnh zona tự khỏi trong vòng 2-3 tuần. Bệnh zona hiếm khi xảy ra nhiều hơn một lần ở một người nhưng khoảng 1/3 người sẽ có bệnh zona ở một số thời điểm trong cuộc sống. Bệnh zona thần kinh thường gặp ở người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch kém.

Một số yếu tố điển hình có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona bao gồm:

  • Trên 50 tuổi. Bệnh zona thường gặp nhất ở những người lớn hơn 50 tuổi. Nguy cơ này tăng theo tuổi tác. Một số chuyên gia ước tính rằng một nửa những người 80 tuổi trở lên sẽ bị bệnh zona;
  • Một số bệnh nhất định. Bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch, chẳng hạn như HIV/AIDS và ung thư, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh;
  • Điều trị ung thư. Xạ trị hoặc hóa trị có thể làm giảm sức đề kháng với bệnh và có thể gây ra bệnh zona thần kinh;
  • Thuốc. Thuốc được dùng để ngăn thải ghép có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh nếu sử dụng lâu dài, chẳng hạn như thuốc steroid prednisone.

Biến chứng của zona thần kinh

Bệnh zona thần kinh không gây tử vong nhưng có thể để lại những hậu quả nguy hiểm. Dưới đây là các biến chứng thường gặp:

Đau thần kinh mãn tính sau khi hết nổi mẩn trên da: Sau khi các mụn nước lành hẳn và vùng da trở lại bình thường, bệnh nhân vẫn còn đau nhức, buốt, tê vùng đã bị giời leo.

Nguyên nhân là dây thần kinh vùng này bị viêm, dẫn đến tổn thương lâu dài. Bệnh nhân cần uống kháng viêm thần kinh lâu dài, tập vật lý trị liệu và chữa các bệnh mạn tính khác có liên quan (tiểu đường).

Mù mắt: Đây là biến chứng phức tạp khi giời leo ảnh hưởng dây thần kinh thị giác và xảy ra trên vùng mặt, gần mắt. Bệnh nhân sẽ cảm giác đau nhức mắt kèm theo nổi mẩn. Bạn cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám khi có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan mắt.

Tổn thương lâu dài các vùng dây thần kinh khác: Người bệnh có thể bị mất cảm giác trên da, cân bằng hay thính giác.

Nhiễm trùng da: Biến chứng này xảy ra khi vùng da bị lở loét, có thể nặng hơn với các bệnh mạn tính như viêm da cơ địa hay vảy nến.

Phương pháp điều trị zona thần kinh

Hầu hết các ca bệnh zona thần kinh có thể được chẩn đoán bằng khám lâm sàng. Do đó, nếu bác sĩ nghi ngờ bạn gặp tình trạng này, họ sẽ thực hiện khám ban đỏ và mụn nước. Họ có thể yêu cầu một số xét nghiệm trong vài trường hợp và hỏi bệnh sử.

Trong trường hợp hiếm hoi, bác sĩ có thể yêu cầu để kiểm tra một mẫu da hoặc các chất dịch từ mụn nước. Bác sĩ sẽ sử dụng một tăm bông vô trùng để thu thập một mẫu mô hoặc chất dịch. Các mẫu này sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm y tế để xác nhận sự hiện diện của virus.

Đáng chú ý là cho đến nay vẫn chưa có thuốc chữa zona thần kinh nhưng việc điều trị kịp thời bằng các thuốc kháng virus theo toa có thể tăng tốc độ lành bệnh và giảm nguy cơ biến chứng. Những thuốc này bao gồm:

  • Acyclovir (Zovirax®);
  • Valacyclovir (Valtrex®);
  • Famciclovir (Famvir®).

Bệnh zona có thể gây ra cơn đau nặng, do đó bác sĩ có thể kê đơn:

Kem capsaicin;

  • Thuốc chống co giật, như gabapentin (Neurontin®).
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như amitriptyline.
  • Thuốc tê như lidocain, dạng kem, gel, thuốc xịt hay miếng dán.
  • Các chế phẩm có chứa chất ma tuý như codeine.
  • Thuốc tiêm bao gồm corticosteroid và thuốc tê tại chỗ.

Chế độ sinh hoạt phù hợp cho bệnh nhân mắc bệnh zona thần kinh

Bạn hãy nhớ tắm nước mát hoặc sử dụng gạc mát, ướt đắp lên các bóng nước để có thể giảm ngứa và đau. Ngoài ra, nếu có thể, bạn hãy cố gắng giảm căng thẳng trong cuộc sống.

Zona thần kinh có lây không?

Nhiều người thường thắc mắc bệnh zona thần kinh có lây không. Như đã đề cập ở trên, zona thần kinh là bệnh truyền nhiễm, vì vậy nó có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc thông thường như dùng chung khăn mặt, khăn tắm,… Tuy nhiên, người bị truyền nhiễm có thể không mắc zona thần kinh mà bị thủy đậu. Những người đã từng bị thủy đậu sẽ không bị nhiễm zona thần kinh từ khác, nhưng nếu đã bị zona thì có thể mắc bệnh ở những lần sau.


Người mắc zona thần kinh nên hạn chế thực phẩm giàu chất béo.

Bệnh zona thần kinh kiêng ăn gì?

Người bị zona thần kinh nên kiêng một số thực phẩm sau:

  • Chất béo: những thực phẩm giàu chất béo chỉ làm cho tình trạng viêm nghiêm trọng hơn và thời gian lành bệnh lâu hơn.
  • Đồ uống có cồn như rượu, bia: đồ uống có cồn sẽ ngăn cản hệ thống miễn dịch, làm cho virus gây bệnh lây lan nhanh hơn.
  • Các loại hạt cây, các sản phẩm được chế biến từ đậu nành, sô cô la, yến mạch, mầm lúa mì, dừa, bột mì trắng và gelatin.
  • Ngũ cốc tinh chế: những loại thực phẩm này sẽ làm tăng lượng đường trong máu, tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và làm vết thương lâu lành hơn.

Những thực phẩm tốt cho người bệnh zona thần kinh bạn nên bổ sung mỗi ngày như:

Thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm giàu kẽm và vitamin A, B12, C và E, có thể giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Tiêu thụ lysine cũng có thể giúp ức chế virus.

Lysine

Lysine là axit amin được cho là có tác dụng ức chế sự phát triển của một số loại virus, bao gồm cả bệnh giời leo.

Thực phẩm giàu kẽm và vitamin A, B12, C, E

Chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp bạn ngăn ngừa sự thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Những dưỡng chất sau đây đặc biệt quan trọng để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh:

  • Kẽm (thịt đỏ, giá, đậu xanh, trứng, hàu).
  • Vitamin A (lòng đỏ trứng, gan bò, cá hồi, khoai lang, cà rốt).
  • Vitamin B12 (nghêu, cá mòi, thịt bò, ngũ cốc tăng cường, sữa hoặc sữa không sữa tăng cường).
  • Vitamin C (ổi, mùi tây, cải xoăn, kiwi, chanh).
  • Vitamin E (hạt hướng dương, hạnh nhân, cá hồi, cá hồi vân, bơ).

Carbohydrate phức hợp

Chuyển đổi carbohydrate đơn giản thành carbohydrate phức tạp có khả năng giúp bạn giảm viêm và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn. Carbohydrate phức hợp chứa nhiều chất xơ hơn. Ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng hơn.

Một số dạng carbohydrate phức tạp là bánh mì nguyên hạt, gạo lức, lúa mạch, khoai lang, mì ống nguyên chất, ngũ cốc nguyên hạt.

Những lưu ý để tránh lây nhiễm và cách phòng ngừa bệnh

Để tránh lây lan bệnh cho người khác cũng như giảm thiểu các biến chứng xảy ra, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

  • Không chà xát hoặc để nước bẩn tiếp xúc với vùng da nổi mụn nước, tránh làm cho các mụn nước vỡ ra vì điều này dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
  • Rửa vùng da bị zona bằng nước muối loãng hoặc thuốc rửa chuyên biệt do bác sĩ chỉ định.
  • Rửa tay thường xuyên và đúng cách, nhất là khi vừa chăm sóc vùng da bị tổn thương. Ngoài ra, cũng cần mặc đồ rộng rãi, thoải mái.
  • Hạn chế hoặc không tiếp xúc với người chưa tiêm phòng thủy đậu, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai.

Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vaccine thủy đậu, có nghĩa là đưa virus vào trong cơ thể ở trạng thái bất hoạt. Vaccine này có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh zona, làm tăng sức đề kháng chống lại virus.


Tiêm vaccine thủy đậu là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh

Zona thần kinh tuy là bệnh không nguy hiểm nhưng cũng gây ra rất nhiều đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Vì vậy, bạn nên có biện pháp điều trị bệnh càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra. Đồng thời, việc phòng ngừa lây bệnh cho những người xung quanh cũng rất quan trọng.

Cập nhật: 13/07/2024 Tổng Hợp
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video