Các nhà khảo cổ hôm 13/2 công bố phát hiện một xưởng sản xuất bia quy mô lớn, có thể lên tới 5.000 năm tuổi, ở miền nam Ai Cập.
Phần còn lại của xưởng sản xuất bia, bao gồm một dãy thùng để lên men, được tìm thấy tại địa điểm Abydos bởi các chuyên gia khảo cổ từ Ai Cập và Mỹ, do Tiến sĩ Matthew Adams tại Đại học New York dẫn đầu. Trong một tuyên bố trên Facebook, Bộ Cổ vật Ai Cập (EMA) nhấn mạnh đây là cơ sở sản xuất bia quy mô lớn lâu đời nhất từng đường khai quật trên thế giới.
Các thùng đất nung dùng để sản xuất bia cách đây hàng nghìn năm. (Ảnh: AFP).
Theo Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Mostafa Waziry, tàn tích có thể có niên đại từ thời vua Narmer, người đã thống nhất Thượng-Hạ Ai Cập và trị vì đất nước cách đây hơn 5.000 năm.
Các nhà khảo cổ Anh đã cho biết về sự tồn tại của nhà máy sản xuất bia cổ đại vào đầu thế kỷ 20 nhưng vị trí của nó chưa bao giờ được xác định chính xác. Phát hiện mới này là lần đầu tiên cấu trúc bên trong của công trình được tiết lộ.
Theo Waziry, nhà máy bao gồm tám khu vực rộng lớn, mỗi khu chứa khoảng 40 chiếc thùng đất nung xếp thành hai hàng. Hỗn hợp ngũ cốc và nước dùng để sản xuất bia sẽ được đun nóng và lên men bên trong các thùng đất nung này. Khi hoạt động hết công suất, cơ sở được cho là có khả năng sản xuất khoảng 22.400 lít bia cùng lúc.
"Nhà máy có thể được xây dựng để phục vụ nghi lễ hoàng gia bên trong các khu tang lễ của vua Ai Cập. Bằng chứng về việc sử dụng bia trong các nghi lễ cũng đã được tìm thấy trong quá trình khai quật thành cổ Abydos", Adams cho biết.
Đền thờ Seti I. (Ảnh: Roland Unger).
Abydos nằm cách bờ tây sông Nile 11km là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất của Ai Cập. Thành phố tập trung nhiều ngôi đền lớn, nơi chôn cất các vị pharaoh đời đầu như Seti I, và được xem là một địa điểm tôn giáo linh thiêng.