Các nhà khoa học Mỹ đã tìm được manh mối mới về bí ẩn của Jovian Trojan, tức nhóm các tiểu hành tinh quay quanh Mặt trời trên quỹ đạo như sao Mộc.
Các tiểu hành tinh trên bất thường ở chỗ chúng di chuyển theo nhóm, với một nhóm dẫn đầu theo quỹ đạo phía trước hành tinh khí khổng lồ, còn nhóm thứ hai kéo theo sau.
Dữ liệu do phi truyền WISE của NASA thu thập được đã hé lộ chi tiết về màu sắc của các Trojan, manh mối quan trọng giúp xác định được cấu tạo và nguồn gốc của chúng, theo Phòng thí nghiệm Động lực học ở Pasadena, California.
Sao Mộc nằm giữa hai nhóm tiểu hành tinh - (Ảnh: NASA)
Phát hiện trên cho thấy các Trojan không giống như những tiểu hành tinh từ vành đai chính nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc, hay gia đình các vật thể nằm ở vành đai Kuiper, thuộc khu vực băng giá gần sao Diêm Vương.
“Sao Mộc và sao Thổ ngày nay đều có quỹ đạo ổn định, nhưng trong quá khứ, chúng dao động liên tục và chắn đường bất cứ tiểu hành tinh nào có cùng quỹ đạo với mình”, theo Space.com dẫn lời Tommy Grav, một chuyên gia tham gia sứ mệnh WISE thuộc Viện Khoa học Hành tinh ở Tucson.
Chuyên gia Grav cho biết, sao Mộc sau đó lại khống chế các tiểu hành tinh Trojan, nhưng giới khoa học không biết được nguồn gốc xuất xứ của các nhóm này.
Nghiên cứu mới cho thấy chúng có thể sinh ra trong khu vực này chứ không bị lôi về từ những nơi khác như ở vành đai Kuiper.
Nếu thực sự là như vậy, các tiểu hành tinh có thể được hình thành từ dạng vật chất nguyên sơ trong khu vực quanh sao Mộc.
Những hành tinh khác trong hệ Mặt trời cũng kéo theo các tiểu hành tinh Trojan trên quỹ đạo của mình, bao gồm sao Hỏa, Hải Vương tinh và thậm chí Trái đất.