Khi thai phụ mắc bệnh tim

Những phụ nữ mắc bệnh tim khi mang thai cần phải được đặc biệt chú ý hơn bình thường, vì rất nhiều tai biến có thể xảy ra, đe dọa đến tính mạng của thai phụ và thai nhi.

Hoạt động của tim khi mang thai

(Ảnh: BBC)

Khi có thai, nhịp tim của người phụ nữ tăng dần từ tuần lễ thai nghén thứ 10. Vào cuối thai kỳ nhịp tim có thể tăng hơn trước mỗi phút 10 nhịp, lượng máu tim phải bơm để nuôi cơ thể mẹ và thai nhi cũng tăng lên.

Ở tuần thai nghén thứ 25 trở đi, lượng máu qua tim có thể tăng từ 30-50%, người ta ước tính mỗi ngày khối lượng “làm thêm” này của tim là từ 2.160-3.600 lít, tương đương với khoảng 2-4 tấn.

Quả tim phải làm việc nhiều hơn như vậy vì khi có thai ngoài việc nuôi dưỡng bản thân, cơ thể người mẹ còn phải cung cấp ôxy và các chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng thai nhi.

Với những phụ nữ khỏe mạnh thì thai sản là vấn đề hoàn toàn tự nhiên, những thay đổi trong quá trình mang thai là bình thường, nhưng với những người mắc bệnh tim thì sự thay đổi trong thời gian này sẽ trở nên rất nguy hiểm.

Những tai biến có thể gặp đối với người mắc bệnh tim khi mang thai

Tai biến có thể xảy ra ngay từ những tuần thai đầu đối với những người mắc bệnh tim nặng. Còn thông thường, với những sản phụ mắc bệnh tim, tai biến thường xuất hiện từ tháng thứ 3 của thai nghén trở đi, khi cơ thể người mẹ có những thay đổi rõ rệt ở hệ tuần hoàn.

Càng về nửa sau của thai kỳ, những tai biến càng có nguy cơ nhiều hơn, nhất là vào lúc chuyển dạ, sinh, sổ nhau và những ngày đầu sau sinh.

Những tai biến thường gặp là:

Suy tim cấp: Khi bị bệnh chức năng tim đã bị suy yếu, kèm theo khi có thai tim phải hoạt động nhiều hơn, đặc biệt là khi lấy sức rặn đẻ, hậu quả là làm cho cơ tim bị suy kiệt và yếu đi, nhịp tim yếu và chậm dần, thậm chí ngừng đập hoàn toàn, gọi là suy tim cấp.

Phù phổi cấp: Do cơ tim bị suy giảm sức co bóp nên không đẩy máu kịp thời, làm máu ứ đọng nhiều ở phổi, máu tràn vào phổi làm ngập các phế nang nên bệnh nhân không thở được, cơ thể thiếu ôxy và dẫn đến tử vong.

Loạn nhịp tim: Khi thai phát triển, tử cung to chèn ép cơ hoành và làm thay đổi trục của tim so với lúc bình thường, quả tim như bị nằm ngang.

Nhưng khi thai nhi sổ ra ngoài, tử cung co nhỏ lại một cách nhanh chóng làm cho tim cũng đột ngột thay đổi từ vị trí nằm ngang trở về bình thường, giống như bị rơi xuống. Sự thay đổi đột ngột này góp phần làm rối loạn chức năng của tim, có thể dẫn đến đột qụy, hoặc làm rối loạn nhịp tim.

Nhiễm khuẩn: Biến chứng này thường xảy ra sau khi sinh, vi khuẩn thường lan truyền theo đường máu vào, gây các tổn thương ở màng trong của tim, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn và viêm màng trong của tim, gọi là viêm nội tâm mạc.

Nhiều thai phụ mắc bệnh tim, tính mạng được bảo toàn trong suốt quá trình mang thai, sinh nở, nhưng vẫn còn nguy hiểm sau khi sinh vì tình trạng nhiễm khuẩn này.

Tắc mạch do huyết khối: Sự hình thành các cục máu đông trong quá trình mang thai, nhất là sau khi sinh làm bít tắc dòng chảy của mạch máu, nguy hiểm nhất là làm tắc động mạch phổi.

Biểu hiện: bệnh nhân khó thở, ngực đau dữ dội, tím tái và tử vong nhanh chóng.

Sự lựa chọn của phụ nữ mắc bệnh tim và những chăm sóc cần thiết khi mang thai

Khi đã mắc bệnh tim, người mẹ luôn thiếu ôxy và chất dinh dưỡng, khiến phôi thai kém phát triển trong tử cung. Trong 3 tháng đầu có thể làm sảy thai hoặc thai chết lưu.

Tình trạng thiếu ôxy và chất dinh dưỡng kéo dài dẫn đến suy thai, thai sinh ra bị thiếu cân (dưới 2.500g) hoặc sinh non. Những đứa trẻ này ốm yếu, không đủ sức thích nghi với môi trường bên ngoài cơ thể mẹ nên rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Nếu trẻ sinh quá non tháng, phổi chưa phát triển hoàn thiện làm trẻ dễ mắc bệnh màng trong (các phế nang của phổi có một lớp màng trong suốt bao phủ), trẻ không thở được và dẫn đến tử vong.

Bệnh tim có nhiều loại, thể nặng hay nhẹ đều ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi, đe dọa trực tiếp đến tính mạng như các bệnh hẹp, hở van hai lá, suy tim...

Chính vì vậy những phụ nữ mắc bệnh tim cần có sự lựa chọn cẩn thận khi quyết định mang thai. Nếu đã có thai, cần đi khám xem có thể chịu đựng được quá trình mang thai và sinh nở hay không, qua đó để quyết định giữ hay bỏ thai.

Trong quá trình mang thai phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đặc biệt, tâm trạng luôn luôn thoải mái. Nếu có những biến đổi khác thường phải đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra.

BS. Nguyễn Nam

Theo Sức khỏe và Đời sống, Tiền Phong
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video