Khoa học gia nổi tiếng biến thành kẻ lừa đảo

Trung Quốc (TQ) đang chấn động bởi một “xìcăngđan” giả mạo nghiên cứu khoa học tương tự vụ giáo sư Hwang ở Hàn Quốc giả mạo công trình nghiên cứu tế bào mầm. Vụ việc được công khai xác nhận ngày 12-5.

Trần Tiến trong buổi họp báo giới thiệu vi mạch Hán Tâm năm 2003 - Ảnh: AP

Trần Tiến là cái tên lừng lẫy trong giới khoa học TQ trong vòng vài năm trở lại đây. Sinh năm 1968 tại tỉnh Phúc Kiến, Trần tốt nghiệp ĐH Đồng Tề tại Thượng Hải và sang Mỹ du học. Năm 1998, Trần lấy bằng tiến sĩ công nghệ thông tin tại ĐH Texas và làm việc cho Tập đoàn Motorola. Năm 2000, Trần quyết định trở về quê hương và giảng dạy tại ĐH Giao thông Thượng Hải, một trong những trường ĐH uy tín nhất tại TQ.

Thời điểm này, chính quyền TQ đặt ưu tiên phát triển vi mạch xử lý tín hiệu số sử dụng trong các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy quay phim kỹ thuật số... Trước đó, chưa có công ty nào tại TQ sản xuất thành công loại vi mạch này, và mỗi năm ngành công nghệ TQ tiêu tốn hàng tỉ USD nhập khẩu sản phẩm nước ngoài.

Trần và nhóm cộng sự tại ĐH Giao thông Thượng Hải bắt tay vào nghiên cứu. Chỉ hai năm sau, Trần tuyên bố phát triển thành công vi mạch Hán Tâm (Hanxin), có khả năng xử lý 200 triệu tín hiệu một giây. Phát minh của Trần được ca ngợi là “bước đột phá vĩ đại của ngành công nghệ TQ”, có thể giúp chấm dứt sự phụ thuộc của TQ vào công nghệ vi mạch nước ngoài.

Kể từ đó, vinh quang và tiền bạc ào ạt đến với Trần, nhà khoa học trẻ giờ được xem là niềm tự hào của nền khoa học TQ. Trần được bổ nhiệm làm chủ nhiệm trường đào tạo ngành vi điện tử mới được thành lập tại ĐH Giao thông, và lãnh đạo trung tâm nghiên cứu của trường ĐH. Trần còn nhận được nguồn tài chính dồi dào từ chính quyền Bắc Kinh để thực hiện nghiên cứu.

Năm 2004, Trần công bố phát minh vi mạch thế hệ mới Hán Tâm II và III có tốc độ xử lý nhanh hơn. Thời điểm đó, công ty do Trần thành lập nhận được đơn đặt hàng sản xuất tới 3,5 triệu vi mạch điện tử, và có hợp đồng với các hãng công nghệ khổng lồ như IBM.

Buổi hoàng hôn của Trần bắt đầu vào tháng 12-2005, khi một số cộng sự gửi thư lên chính quyền Bắc Kinh tố cáo Trần làm giả nghiên cứu vi mạch xử lý tín hiệu số. Một trong số đó còn tung thư buộc tội lên mạng Internet. Vài tuần sau, chính quyền và ĐH Giao thông cùng mở cuộc điều tra.

Và ngày 12-5 vừa qua, cả TQ chấn động khi chính quyền chính thức tuyên bố Trần đã giả mạo nghiên cứu, vi mạch Hán Tâm không có những tính năng như Trần từng quảng cáo. Trên thực tế, thủ đoạn giả mạo của Trần cực kỳ đơn giản nhưng cũng rất tinh vi: nhập vi mạch của Hãng Motorola, rồi cho công nhân thay thế mác Motorola bằng thương hiệu Hán Tâm. Bằng thủ đoạn trên, Trần đã qua mặt toàn bộ nhóm thẩm định nghiên cứu của chính quyền trung ương.

ĐH Giao thông Thượng Hải tuyên bố hành động của Trần là “đáng khinh bỉ” và lập tức ra quyết định sa thải Trần. Bắc Kinh cho biết sẽ không bao giờ cho phép Trần tham gia các dự án nghiên cứu của nhà nước. Chính quyền cũng đã đình chỉ dự án phát triển vi mạch Hán Tâm và thu hồi ngân quĩ nghiên cứu.

Theo các nhà quan sát, xìcăngđan của Trần đã làm rạn nứt viễn cảnh “TQ trước ngưỡng cửa đột phá công nghệ” và làm tổn thương niềm tự hào của một quốc gia đang quyết tâm thu hẹp khoảng cách về khoa học công nghệ với phương Tây. Cho đến giờ, vẫn chưa rõ Trần có bị khởi tố vì tội lừa đảo hay không.

HIẾU TRUNG

Theo China Daily, New York Times, AFP, Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video