Trong tương lai, dân số thế giới tăng với tốc độ rất nhanh và các nhà khoa học sợ rằng sẽ không còn đủ thức ăn để nuôi sống loài người. Và họ đang chế tạo những loại thực phẩm dành cho khi hết gạo.
Những thực phẩm con người có thể dùng thay gạo trong tương lai
Các nhà khoa học đang tìm cách dùng công nghệ cao để sản xuất lương thực, thực phẩm trên quy mô lớn mà không mất quá nhiều thời gian, nguyên vật liệu. Hiện tại các nhà khoa học đã đạt được một số kết quả ban đầu như thịt nhân tạo, thực phẩm sấy khô, các thanh protein có nguồn gốc từ sâu bọ,… và còn nhiều nữa.
Các nhà khoa học ước tính rằng dân số thế giới sẽ nhanh chóng đạt mốc 8 tỷ và lương thực sẽ là vấn đề cực kỳ lớn, ngành công nghiệp thực phẩm sẽ bắt đầu vắt kiệt mọi nguồn tài nguyên để sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng. Cũng chính hành động đó sẽ tiếp tục tàn phá môi trường một cách nhanh chóng hơn. May mắn thay, nhờ sự phát triển của khoa học, chúng ta đã tìm được một số cách nhằm vượt qua được vấn đề lương thực mà vẫn cung cấp cho con người đủ thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên với đầy đủ dinh dưỡng. Và bên dưới đây là một số thành tựu các nhà khoa học đã đạt được.
Bánh ngọt in 3D với độ chi tiết cao
Được thành lập hồi năm 2014, hãng công nghệ 3D Systems là một trong những nhà tiên phong trong việc áp dụng công nghệ in3D để sản xuất thức ăn. Hiện tại, họ đã phát triển ra 2 nguyên mẫu máy in thức ăn là ChefJet và ChefJet Pro với khả năng tạo ra những loại bánh ngọt với độ chi tiết cao. Hồi đầu năm nay, 3D Systems đã hợp tác cùng với hãng bánh kẹo Hershey để cùng nhau phát triển thêm dòng máy in CocoJet. Tính tới hiện tại, các mẫu máy in này vẫn chưa được thương mại hóa nhưng rõ ràng, tiềm năng của nó là rất lớn đối với ngành công nghiệp sản xuất bánh kẹo trong tương lai.
Máy in 3D có thể tùy biến nguyên liệu, tự bày trí món ăn
Foodini là chiếc máy in 3D do hãng Natural Machines phát triển. Nó cho phép bạn có thể tự tạo ra những đĩa bánh với cách bày trí đẹp mắt mà người dùng mong muốn. Người dùng đơn giản chỉ cần chuẩn bị sẵn các loại nguyên liệu, cho chúng vào cỗ máy và lựa chọn hình dạng trong danh sách lập trình sẵn. Sau đó, cỗ máy sẽ tự điều chỉnh các lớp in để tạo thành đĩa thức ăn cuối cùng với cách bày trí mà người dùng mong muốn. Hiện tại thì cỗ máy này mới dừng lại ở mức độ trang trí món ăn trên quy mô nhỏ nhưng chúng ta cso thể dùng nó để tạo ra những đĩa thức ăn nhanh đẹp mắt, hợp khẩu vị và đảm bảo sức khỏe.
Thực phẩm "lớn nhanh" và có thể dùng ngay
Nhà thiết kế Chloe Rutzerveld đang thực hiện dự án mang tên Edible Growth cũng nhằm tạo ra thức ăn bằng máy in 3D. Ý tưởng của cô là in các lớp hạt, mầm và nấm men vào trong cùng 1 "sản phẩm". Sau đó nó sẽ phát triển lên một cách nhanh chóng và con người có thể sử dụng trong thời gian sớm nhất. Mặc dù dự án mới chỉ dừng lại ở những nguyên mẫu thử nghiệm nhưng đây là ý tưởng khá hứa hẹn, giúp hạn chế phụ thuộc vào quá trình trồng trọt, giảm thiểu chi phí vận chuyển, cung ứng thực phẩm, đồng thời giảm lượng thực phẩm hoang phí và cung cấp nguồn thức ăn tươi, sạch cho con người.
Thực phẩm khô
Xử lý áp suất cao (HPP) là một kỹ thuật công nghiệp, dù không sử dụng nhiệt và hóa chất nhưng vẫn tiêu diệt được các loại vi khuẩn, giúp kéo dài thời gian bảo quản của nhiều loại thực phẩm. Đây là một cách phổ biến thường được áp dụng đối với các loại thực phẩm tươi sống, nhưng yêu cầu phải có nhiều loại thiết bị đắt tiền, cỡ lớn. Trên quy mô nhỏ, người dùng bình thường có thể dùng các máy sấy thương mại để chuyển những loại thực phẩm tươi thành thức ăn nhẹ, thảo mộc sấy khô, bò khô hoặc một số loại thức ăn khô khác có thể dự trữ lâu ngày.
Hiện tại, các thiết bị loại này đang được bán ra thị trường với mức giá từ 35 đô la và được nhiều gia đình trên thế giới áp dụng nhằm bớt lệ thuộc vào các loại thực phẩm đông lạnh, các cửa hàng thức ăn nhanh,… Một số sản phẩm có thể tham khảo trên Amazon. Ngoài ra, một số người còn tự chế hệ thống sử dụng năng lượng Mặt Trời để sấy khô thực phẩm, các bạn có thể tham khảo thêm tại đây.
Trồng trọt trên mái nhà
Có lẽ ý tưởng này khá thân thuộc với tất cả chúng ta. Việc tận dụng mái nhà để trồng trọt không chỉ tận dụng được nguồn lực có sẵn, có thể tự tạo nguồn cung ứng thực phẩm trên quy mô nhỏ mà còn có nhiều lợi ích khác về mặt cảnh quan, môi trường sống,… Hiện tại, nhiều hộ gia đình trên khắp thế giới, trong đó có tại nước ta cũng bắt đầu sử dụng cách làm này, đặc biệt là cư dân tại các thành phố lớn. Thậm chí tại Hoa Kỳ, 2 công ty nông nghiệp Grange và Gotham Greens đã áp dụng mô hình này trên nóc nhiều tòa nhà khác nhau trong thành phố, giúp giảm nhu cầu sử dụng điều hòa không khí, từ đó tiết kiệm được điện năng tiêu thụ.
Trồng cây trong sương mù
Nếu trong tình huống không thể trồng trên mái nhà thì sao? Một hãng công nghệ tại New York, Hoa Kỳ đã tạo ra GrowCube - một chiếc lồng trồng cây trong sương mù. Thiết bị này sẽ sử dụng hơi nước để cung cấp cho các luống cây đặt thành từng tầng bên trong và theo hãng thì cách làm này sẽ giúp tiết kiệm được 95% nhu cầu sử dụng nước so với các phương pháp trồng trọt truyền thống. Tất cả nguồn cung cấp nước, chất dinh dưỡng,… cho cây đều được điều khiển bằng máy tính, có thể đặt bên trong nhà. Hãng tiết lộ rằng GrowCube còn có thời gian trồng trọt nhanh hơn bình thường, khoảng 4-6 tuần là cây dâu tây đã lớn và có thể trồng được nhiều loại rau, củ quả khác nhau, trồng được tới 28 cây xà lách cùng một lúc.
"Thịt xông khói dưới nước"
Tảo (đặc biệt là rong biển) đã được con người sử dụng từ lâu và thậm chí, cư dân tại nhiều nước trên thế giới còn sử dụng nó mỗi ngày. Dù vậy, đây dường như vẫn là một món ăn phụ nhưng trong tương lai, khi mà nguồn cung thực phẩm đã khan hiếm thì đây có thể sẽ trở thành một trong những ứng cử viên trở thành món chính trong thực đơn của con người. Trong chuyển biến mới nhất, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm sáng kiến thực phẩm tại Đại học bang Oregon đã tìm được giải pháp.
Họ đã cho lai tạo và nuôi trồng thành công một chủng rong biển mang tên dulse - với khả năng lớn nhanh hơn so với phiên bản ngoài tự nhiên, chứa nhiều loại khoáng chất, vitamin, chất chống oxy hóa và protein. Độc đáo hơn, loại rong biển này khi chiên lên sẽ có mùi tương tự như thịt xông khói.
Thức ăn từ côn trùng
Nhiều loại côn trùng có hàm lượng dinh dưỡng cao khi dùng làm thực phẩm cho con người. Một số nước có truyền thống chế biến các món ăn từ côn trùng và theo thống kê tính tới hiện tại, 80% thế giới đang thường xuyên ăn côn trùng. Điển hình như dế là loại côn trùng có nhiều protein, chất sắt và có mức độ tổn thương môi trường ít hơn so với thịt gia hoặc các sản phẩm gia cầm. Tại Hoa Kỳ, một số công ty đã bắt đầu sản xuất các sản phẩm từ côn trùng trên quy mô công nghiệp. Họ cung cấp côn trùng sống cho vật nuôi, bột nghiền, côn trùng đông lạnh hoặc sấy khô. Đặc biệt có hãng Exo đã tạo ra các thanh protein có nguồn gốc từ dế cho con người với vị giống như cỏ.
Thịt nhân tạo
Không phải ai cũng thích ăn côn trùng nhưng nếu là thịt thì chắc hẳn ai cũng có thể ăn. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc chăn nuôi truyền thống cũng đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu thịt cho con người và do đó, các nhà nghiên cứu luôn tìm cách chế tạo ra thịt. Từ năm 2008, giáo sư Mark Post tại Đại học bách khoa Eindhoven đã bắt đầu dự án tạo ra "thịt trong ống nghiệm". Cách làm của ông là lấy mẫu mô từ bò, sau đó nuôi cấy các tế bào để đạt được lương thịt mong muốn.
Hồi năm 2013, dự án đã tạo ra được 1 chiếc hambuger bằng loại thịt bò nhân tạo. Đây là một thành công hết sức đáng khích lệ nhưng cái giá của nó cũng không hề rẻ: 325.000 đô la mỗi chiếc. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tin rằng giá thành sản xuất sẽ được giảm xuống rất nhiều trong tương lai. Theo nghiên cứu tiến hành bởi các nhà khoa học tại Đại học Oxford, cách sản xuất thịt bò nhân tạo có thể cắt giảm được 99% nhu cầu không gian so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Tất nhiên, hiện nay thì tất cả vẫn còn tiếp tục được nghiên cứu.
Thực phẩm dạng lỏng
Khi mà nguồn thực phẩm trở nên khan hiếm thì cái người ta quan tâm sẽ là chất dinh dưỡng mà con người cần và cách tiêu thụ nào là dễ dàng nhất. Nhiều công ty thực phẩm trên thế giới bắt đầu tìm tới thực phẩm dạng lỏng để thay thế cho các bữa ăn thông thường. Hãng Rosa Labs tại Hoa Kỳ đã đưa ra giải pháp là Soylent - một hỗn hợp bột pha nước uống nhằm thay thế cho các bữa ăn thông thường mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Tương tự như vậy, Ambronite cũng là một loại thực phẩm dạng lỏng và được tuyên bố là có nguồn gốc hữu cơ. Dù ý tưởng này có thể cung cấp dinh dưỡng cho nhiều người nhưng vẫn hạn chế tác động tới môi trường, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cách làm này vẫn không thể thay thế cho "thực phẩm thật" về dài hạn.
Những bữa ăn trên quỹ đạo
Trong tương lai, dân số không chỉ gia tăng trên Trái Đất mà còn gia tăng trên vũ trụ. Nghe có vẻ hơi viễn tưởng nhưng biết đâu con người rồi sẽ sống trên các trạm không gian cỡ lớn hoặc trên các hành tinh khác? Từ cuối năm ngoái, NASA đã bắt đầu đưa hệ thống mang tên Veggie nhằm tiến hành một loạt các thử nghiệm trồng cây trên không gian. Trong thử nghiệm đầu tiên, họ đã gieo các hạt giống xà lách Outredgeous trong những "chiếc gối" chứa đầy đất sét nung đặt sát bên nhau.
Mục tiêu của dự án là kiểm tra hoạt động của hệ thống trồng cây này, đồng thời kiểm tra xem mức độ vi khuẩn trong rau xanh trồng được có an toàn đối với con người hay không. Hồi tháng 3 vừa qua, NASA đã tiếp tục thử nghệm thứ 3 trồng bắp cải Tokyo Bekana bằng hệ thống Veggie. Dựa trên kết quả thử nghiệm, các nhà nghiên cứu sẽ tinh chỉnh thiết kế của "chiếc gối", phân bón, chủng loại cây trồng cùng một số yếu tố khác giúp cây phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cung cấp thực phẩm và thú tiêu khiển cho các phi hành gia trên không gian trong tương lai gần.