Kiến chúa ăn thịt con để bảo vệ tổ

Khi mới xây dựng đàn, kiến chúa của loài kiến vườn đen có thể ăn thịt ấu trùng khi phát hiện nó nhiễm bệnh để ngăn ngừa sự lây lan.

Theo nghiên cứu trên tạp chí Current Biology, nếu một con kiến vườn đen (Lasius niger) mới nở nhiễm bệnh, nó sẽ bị kiến chúa ăn thịt trước khi lây bệnh cho đồng loại, Science Alert hôm 30/9 đưa tin.


Kiến vườn đen và ấu trùng. (Ảnh: Henrik_L).

"Kiến chúa bắt đầu xây dựng đàn một mình và gần như bỏ đói bản thân để nuôi dưỡng những con kiến thợ đầu tiên. Kiến chúa nào 'sản xuất' nhiều kiến thợ nhất sẽ có cơ hội sống sót lớn nhất, vì vậy, khả năng ăn và 'tái chế' ấu trùng nhiễm bệnh thành kiến con đồng nghĩa tài nguyên quý giá không bị lãng phí", nhà sinh học Flynn Bizzell từ Đại học Oxford, thành viên nhóm nghiên cứu, giải thích.

Bizzell cùng nhà sinh học Christopher Pull tại Đại học Oxford phát hiện rằng kiến thợ trong các đàn không có xu hướng ăn thịt đồng loại. Tuy nhiên, khi đàn mới bắt đầu được xây dựng và dễ tổn thương, kiến chúa không thể kéo ấu trùng nhiễm bệnh ra khỏi tổ. Kiến chúa bị nhốt bên trong cùng các con, chật kín và không có ai giúp đỡ.

Nguy cơ lây nhiễm trong môi trường này rất lớn. Do đó, khi phát hiện mầm bệnh trong tổ, chúng sẽ loại bỏ ấu trùng nhiễm bệnh càng sớm càng tốt. Nếu cần thiết, kiến chúa sẽ ăn tới 92% ấu trùng nhiễm bệnh. Những con kiến chúa làm như vậy có thể đẻ trứng nhiều hơn 55% vào lần sau.

Để thí nghiệm, Bizzell và Pull cho 5 ấu trùng của mỗi kiến chúa tiếp xúc với bào tử gây bệnh của một loại nấm. Các ấu trùng sau đó bị bỏ lại một mình trong 24 giờ để phát triển bệnh, dù lúc này chúng chưa có khả năng làm lây bệnh. Khi đưa chúng trở lại tổ, Bizzell và Pull quan sát hành động của kiến chúa.

Trong vài giờ, kiến chúa ăn gần hết những con mắc bệnh và để lại những con khỏe mạnh. Bệnh nấm dường như không ảnh hưởng đến kiến chúa kể cả sau khi ăn. Bizzell và Pull cho rằng điều này là do chúng tự bảo vệ mình từ bên trong. Trước và sau khi kiến chúa ăn thịt con, hai nhà sinh học nhận thấy một số con kiến đang "chăm sóc" một tuyến trên bụng. Tuyến này sản xuất ra một loại nọc độc axit kháng khuẩn. Việc nuốt nọc độc này có thể giúp kiến trung hòa mầm bệnh trong ruột.

Trong thí nghiệm tiếp theo, khi gặp ấu trùng đã chết bệnh và bắt đầu sản xuất bào tử lây nhiễm, kiến chúa phun độc lên xác chết từ tuyến nọc của mình. Tuy nhiên, giai đoạn này rất nguy hiểm với kiến chúa. Kể cả khi đã phun độc lên ấu trùng, nó vẫn có 80% khả năng chết vì bệnh truyền nhiễm. Trong trường hợp kiến chúa sống sót, đàn con của nó vẫn bỏ mạng. Vì vậy, việc hành động sớm để ngăn sự lây nhiễm rất quan trọng.

Nghiên cứu mới cung cấp bằng chứng cho thấy kiến chúa ăn thịt con như một cách ứng phó với bệnh tật, bảo vệ mạng sống của chính mình cũng như những con non khác.

Cập nhật: 05/10/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video