Kim cương xanh quý giá được tạo ra từ các đại dương cổ

Theo phóng viên tại Rome, hai nhà khoa học Evan Smith, người Mỹ, thuộc Viện Ngọc học Mỹ (GIA) và Fabrizio Nestola, người Italy, thuộc Đại học Padua, Italy mới đây đã tìm ra cơ chế hình thành những viên kim cương xanh quý giá. Công trình nghiên cứu này đã được công bố trên trang bìa của tạp chí Nature.

Những viên kim cương xanh giống như viên Hope nổi tiếng đã được các đại dương cổ đại nhuộm màu thông qua một nguyên tố có trong nước là boron dưới độ sâu từ 410 đến hơn 660km nhờ sự dịch chuyển của các lớp địa chất. Những viên kim cương này còn là bằng chứng về cơ chế hình thành lớp vỏ Trái đất.


Kim cương xanh được tạo ra ở sâu dưới đáy đại dương. (Ảnh: geologyin.com).

Theo nhà nghiên cứu Smith, những viên kim cương màu xanh có giá trị rất cao, do vậy rất khó có được chúng để phục vụ mục đích nghiên cứu. Ngoài ra, rất hiếm khi tìm thấy các tạp chất khoáng tồn tại trong các viên kim cương. Những khoáng chất này nằm trong các tảng đá mà viên kim cương được hình thành và chứa thông tin quan trọng về cách chúng được sinh ra. Để xác định các tạp chất có trong 46 viên kim cương được dùng để nghiên cứu, và tính toán độ sâu mà chúng được hình thành, các nhà nghiên cứu đã phải nhờ đến một dụng cụ phân tích vật liệu X quang.

Kết quả phân tích các khoáng chất bị mắc kẹt trong kim cương xanh có nguồn gốc từ châu Phi, Ấn Độ, Nam Mỹ và Borneo đã chỉ ra rằng các viên kim cương được hình thành bên trong các tảng đá lớn khi tiếp xúc với các điều kiện áp suất và nhiệt độ khắc nghiệt, chẳng hạn như độ sâu từ 410 đến hơn 660km. Điều đó có nghĩa là chúng được hình thành ở ranh giới giữa lớp manti trên và manti dưới, thuộc về phần giữa lớp vỏ và lõi của Trái đất. Hầu hết các viên kim cương khác được hình thành ở độ sâu chỉ khoảng 150-200km.

Theo giả thuyết của các nhà nghiên cứu, boron của các đại dương cổ đại được kết hợp vào loại đá serpentinite. Những tảng đá này sau đó sẽ được đưa xuống sâu hơn do chuyển động của các mảng kiến tạo và sẽ giải phóng toàn bộ nước có trong nó.

Phần lớn nước này sẽ quay trở lại bề mặt Trái đất, nhưng một phần nhỏ bị mắc kẹt trong các khoáng chất khác và tiếp tục được đưa xuống độ sâu lớn hơn. Đến một độ sâu nhất định, chúng giải phóng boron và các nguyên tố khác.

Nếu trong số các nguyên tố này có đủ carbon, nguyên tố hình thành lên kim cương, boron sẽ thay thế một số nguyên tử carbon và tạo ra kim cương xanh.

Do đó, kim cương xanh đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu cách Trái đất đã biến đổi như thế nào theo thời gian và là một bằng chứng khác về việc hình thành lớp vỏ trái đất. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng các khoáng chất giàu nước có mặt ở độ sâu lớn hơn nhiều so với những gì đã biết trước đây và điều này cũng cho thấy rằng nước có thể được tái tạo ở sâu trong lòng Trái Đất.

Cập nhật: 03/08/2018 Theo TTXVN/Báo Tin tức
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video