Kính viễn vọng không gian Hubble quan sát thấy tinh vân Hen 3-1357 mờ đi rõ rệt chỉ trong thời gian ngắn.
Tinh vân Hen 3-1357 được phát hiện lần đầu vào năm 1971. Nó có hình dạng giống như một con cá đuối, nằm cách Trái Đất 18.000 năm ánh sáng về phía nam của chòm sao Thiên Đàn và có kích thước rộng gấp 130 lần hệ Mặt Trời. Vật thể được biết đến là một tinh vân "tiền hành tinh", hình thành trong giai đoạn tiến hóa cuối cùng của ngôi sao khi nó phóng ra một lượng lớn khí phát sáng vào không gian.
Hubbe phát hiện sự mờ đi bất thường của tinh vân Hen 3-1357. (Ảnh: NASA/ESA).
Quá trình mờ đi của những tinh vân kiểu này thường diễn ra trong hàng triệu đến hàng tỷ năm, nhưng trong một báo cáo mới của NASA vào hôm 3/12, các nhà thiên văn học cho biết Hen 3-1357 đã giảm độ sáng rõ rệt chỉ trong hai thập kỷ.
"Những thay đổi như thế này chưa bao giờ được ghi lại rõ ràng trước đây. Dữ liệu hình ảnh thu thập bởi kính viễn vọng không gian Hubble từ năm 1996 đến năm 2016 mang đến một cái nhìn hiếm thấy về sự mờ đi nhanh chóng của lớp khí phủ xung quanh một ngôi sao già", NASA nhấn mạnh.
Theo các nhà thiên văn học, trong hình ảnh chụp vào năm 1996, tinh vân Hen 3-1357 đã phát ra nhiều nitơ (màu đỏ), hydro (màu xanh lam) và oxy (màu xanh lá cây), khiến nó trông nổi bật hơn hẳn so với ảnh chụp vào năm 2016.
Thủ phạm khiến tinh vân mờ đi rõ rệt có khả năng là ngôi sao nằm ở trung tâm. Vật thể đã trải qua sự gia tăng nhiệt và nguội đi bất thường, và có vẻ như Hubble đã gặp may khi quan sát Hen 3-1357 vào đúng thời điểm chuyển giao của nó. Với tốc độ mờ đi này, NASA dự đoán chúng ta sẽ khó phát hiện tinh vân trong vài thập kỷ tới.