Kính viễn vọng không gian Kepler "chết" vì cạn nhiên liệu

Kính viễn vọng Kepler, trợ thủ đắc lực của NASA, ngừng hoạt động sau 9 năm tìm kiếm ngoại hành tinh có thể tồn tại sự sống trong vũ trụ.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo kính viễn vọng không gian Kepler đã cạn kiệt nhiên liệu và kết thúc phi vụ trong không gian sâu ở cách Trái Đất 151 triệu km, theo CNN. Đây là kết quả nằm trong dự đoán bởi mức nhiên liệu thấp được ghi nhận từ tháng 7.

Phi vụ săn tìm hành tinh kéo dài 9 năm, tìm thấy 2.899 thiên thể có khả năng là ngoại hành tinh và 2.681 ngoại hành tinh được xác nhận trong dải Ngân hà, hé lộ hệ Mặt Trời không phải hệ sao duy nhất. Kepler giúp các nhà thiên văn học phát hiện khoảng 20 - 50% ngôi sao trên bầu trời đêm chắc chắn đi kèm những hành tinh đá nhỏ cỡ Trái Đất trong khu vực có thể sinh sống. Nước lỏng có thể tồn tại trên bề mặt hành tinh, cho phép sự sống hình thành và phát triển.

Những chỉ thị cuối cùng đã được truyền đi. Tàu Kepler sẽ duy trì khoảng cách an toàn với Trái Đất để tránh va chạm với hành tinh.


Kepler ngừng hoạt động ở cách Trái Đất 151 triệu km. (Ảnh: NASA).

"Là phi vụ săn hành tinh đầu tiên của NASA, Kepler đã tiến xa vượt quá tất cả mong đợi của chúng tôi, mở đường cho công cuộc khám phá và tìm kiếm sự sống trong hệ Mặt Trời và không gian sâu hơn", Thomas Zurbuchen, người điều hành chương trình Science Mission Directorate của NASA ở Washington, cho biết.

"Kepler không những cho chúng ta thấy bao nhiêu hành tinh có thể tồn tại ngoài kia, nó còn khơi nguồn cho một lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới nổi danh trong cộng đồng khoa học. Những phát hiện của Kepler giúp chúng ta hiểu thấu vị trí của mình trong vũ trụ và làm sáng tỏ nhiều bí ẩn về các ngôi sao", ông Zurbuchen chia sẻ.

Phi vụ Kepler được đặt tên nhằm vinh danh nhà thiên văn học người Đức ở thế kỷ 17, Johannes Kepler, người phát hiện định luật về chuyển động của thiên thể. Kính viễn vọng Kepler không chỉ hoàn thành mục tiêu ban đầu mà còn mang tới những cơ hội ngoài mong đợi nhằm giải đáp nhiều câu hỏi về thiên hà của chúng ta và vũ trụ, theo Charlie Sobeck, kỹ sư hệ thống dự án ở Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA.

Mỗi bit dữ liệu khoa học do Kepler thu thập đều được truyền tới các nhà khoa học trên Trái Đất. Sau khi phóng năm 2009, Kepler tập trung quan sát cùng một điểm trên bầu trời suốt 4 năm. Dữ liệu hé lộ các hành tinh rất dồi dào và phong phú, đặc biệt những hành tinh đá nhỏ tương tự Trái Đất trong khu vực có thể sinh sống quanh sao chủ khá phổ biến, theo Jessie Dotson, nhà khoa học trong dự án Kepler tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA.

Khi phi vụ 4 năm kết thúc, những mục tiêu chính đã hoàn thành, nhưng trục trặc máy móc khiến Kepler dừng hoạt động đột ngột. Các kỹ sư đã tái khởi động phi vụ, tìm cách để Kepler khảo sát những vùng trời mới vài tháng một lần. Phi vụ mới có tên K2, tập trung vào những ngôi sao gần và sáng. K2 cũng kéo dài 4 năm như phi vụ đầu tiên, cho phép Kepler khảo sát tổng cộng hơn 500.000 ngôi sao.

Phát hiện của Kepler cũng giúp định hình các phi vụ tương lai. TESS, vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh quá cảnh, phóng hồi tháng 4, là công cụ săn hành tinh mới nhất của NASA. TESS bắt đầu hoạt động khoa học vào cuối tháng 7 và đang tìm kiếm những hành tinh quay quanh 200.000 ngôi sao sáng nhất ở gần Trái Đất.

Cập nhật: 01/11/2018 Theo VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video