Kính viễn vọng không gian Planck "về hưu"

Kính viễn vọng không gian Planck sẽ được cho "nghỉ hưu" trong tuần này, sau sứ mệnh kéo dài bốn năm đầy thành công với việc chứng minh vũ trụ già hơn 80 triệu năm so với những gì từng được biết.

Theo RIA Novosti ngày 23/10 dẫn lời Steve Foley, người đứng đầu sứ mệnh Planck, thì kính thiên văn Planck sẽ được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho ngừng hoạt động vào ngày 23/10, lúc 19 giờ (theo giờ VN).

Foley cho hay, kính Planck đã được làm sạch thùng nhiên liệu và được đưa đến quỹ đạo an toàn bay quanh mặt trời, cách xa Trái đất và mặt trăng, nơi nó sẽ tồn tại hàng trăm năm trong lặng lẽ.

"Bước cuối cùng sẽ là hành động đơn giản tắt các máy phát (tín hiệu). Chúng ta sẽ chứng kiến sự im lặng của Planck và chúng ta sẽ không bao giờ còn nhận được tín hiệu của "cô ấy" nữa", hãng tin AFP dẫn lời Foley cho biết trong một tuyên bố.


Kính viễn vọng không gian Planck đã hoàn thành sứ mệnh lập bản đồ bức xạ nền vũ trụ - (Ảnh: ESA)

Điều này là quan trọng vì nó sẽ không làm nhiễu sóng vô tuyến cho các sứ mệnh trong tương lai, Foley nói thêm.

Theo AFP thì trình tự chấm dứt hoạt động của Planck cũng tương tự như cách thức cho kính viễn vọng Herschel "về hưu" hồi đầu năm nay.

Cùng được phóng vào ngày 14/5/2009 bởi tên lửa Ariane 5 từ Trung tâm Vũ trụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp, Herschel có nhiệm vụ nghiên cứu nguồn gốc của các ngôi sao và thiên hà, trong khi Planck mang sứ mệnh dò tìm bức xạ nền từ sự kiện "Big Bang" tạo nên vũ trụ cách nay khoảng 14 tỉ năm.

Được đặt theo tên nhà vật lý người Đức thế kỷ 20 Max Planck, cha đẻ của thuyết lượng tử, kính viễn vọng không gian Planck được trang bị một kính khổng lồ để đo nhiệt độ phát ra bởi bức xạ nền vũ trụ (CMB), tức các tia bức xạ còn sót lại từ thời sơ khai của vũ trụ, khoảng 380.000 năm sau Big Bang.

Vào tháng 3 qua, ESA đã công bố bức ảnh toàn cảnh bầu trời chất lượng 50 triệu pixel chụp bức xạ tàn dư vũ trụ còn sót lại từ Big Bang, tổng hợp các dữ liệu gửi về từ viễn vọng kính Planck.

"Đây là bước nhảy khổng lồ trong tri thức của chúng ta về nguồn gốc của vũ trụ", Tổng giám đốc ESA Jean-Jacques Dordain nói về bản đồ ánh sáng cổ xưa nhất trong vũ trụ được công bố trên.

Các dữ liệu công bố cho thấy vũ trụ giãn nở với tốc độ chậm hơn so với những gì từng được biết, và đưa đến việc điều chỉnh tuổi của vũ trụ lên thành 13,82 tỉ năm.

Theo Thanh Niên
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video