Kỳ lạ người Nhật ăn Giáng Sinh với gà rán KFC

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, Giáng sinh là một ngày lễ lớn để cả gia đình quây quần đoàn tụ bên nhau, cùng nhau thưởng thức một bữa tiệc thịnh soạn mừng ngày Chúa sinh ra đời. Bữa tiệc Giáng sinh tùy từng nơi mà cũng có nhiều món ăn khác nhau: gà tây bỏ lò, đùi lợn muối, bánh gừng, bánh khúc cây, v...v... Còn đối với người dân Nhật Bản, món ăn không thể thiếu trong bữa tiệc Giáng sinh lại chính là gà rán KFC.

Mỗi mùa Giáng Sinh đến, Ryohei Ando cùng quây quần bên gia đình theo truyền thống. Giống như cha ông thường làm khi ông còn nhỏ, hai con của ông giờ cũng sẽ thò tay vào túi gà rán hai màu trắng đỏ và tìm miếng gà chiên ngon lành nhất trong túi.

Vâng, đó là Giáng sinh KFC của gia đình nhà Ando.


Mỗi mùa Giáng Sinh đến, khoảng 3,6 triệu gia đình người Nhật sẽ mua loại gà rán này cho tiệc Noel.

Điều này có vẻ kỳ lạ với những người không sống ở Nhật Bản, nhưng gia đình Ando và hàng triệu người khác sẽ không thể chịu được chuyện đón mừng Giáng Sinh mà không có món gà rán Kentucky, KFC.

Mỗi mùa Giáng Sinh đến, khoảng 3,6 triệu gia đình người Nhật sẽ mua loại gà rán thức ăn nhanh kiểu Mỹ này cho bữa tiệc Noel, và điều này đã trở thành truyền thống khắp cả nước.

"Các con tôi nghĩ điều này thật tự nhiên", Ando, 40 tuổi, hiện làm trong bộ phận marketing của một công ty đồ thể thao tại Tokyo cho biết.

Tất nhiên, bên cạnh hàng triệu người đón Giáng Sinh với KFC thì cũng có nhiều người khác ở Nhật coi đây là một dịp lãng mạn giống như lễ Tình nhân Valentine, và các cặp đôi đánh dấu bằng một cuộc hẹn hò ăn tối trong nhà hàng cao cấp hơn.

Với một số gia đình Nhật Bản khác, Lễ Giáng Sinh được chú ý nhưng không tổ chức đặc biệt gì.

Nhưng với những người có tổ chức Giáng Sinh, chuyện này không đơn giản chỉ là đi vào nhà hàng và gọi món.


Nhu cầu tiêu thụ món gà rán KFC trong dịp Giáng Sinh ở Nhật cao tới mức nhiều người sẵn lòng xếp hàng hàng tiếng đồng hồ để mua

Tháng 12 là tháng bận rộn của chuỗi cửa hàng KFC ở Nhật Bản - với số lượng hàng bán ra tại một số nơi trong suốt kỳ Giáng Sinh có thể cao gấp 10 lần lượng đặt hàng thông thường.

Để có được bữa tối Giáng Sinh KFC Đặc biệt, mọi người thường phải đặt hàng trước nhiều tuần, và những ai không đặt hàng trước sẽ phải xếp hàng dài, có khi kéo dài nhiều giờ.

Truyền thống Giáng sinh KFC của Nhật Bản bắt đầu từ một câu chuyện từ việc quảng cáo mà bất cứ công ty nào hướng đến thị trường Nhật Bản cũng cần học tập, câu chuyện đó gần như là một giai thoại trong kỳ lễ này.

Khởi đầu bết bát của KFC tại Nhật Bản

KFC được nhượng quyền thương hiệu tại Nhật Bản cho tập đoàn Mitsubishi vào năm 1970, sau hơn 4 năm đàm phán với trụ sở chính của chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh này tại Mỹ. Tháng 11 năm 1970, cửa hàng KFC đầu tiên tại Nhật Bản chính thức khai trương tại Nagoya. Chỉ ít lâu sau, có thêm 2 chi nhánh khác của KFC được mở tại Osaka.


Trước khi thành công như bây giờ, KFC đã từng có một khởi đầu vô cùng bết bát tại Nhật.

Thế nhưng, trái ngược với những kỳ vọng của Mitsubishi khi mang chuỗi thức ăn nhanh đình đám này về Nhật Bản, những cửa hàng KFC đầu tiên tại đây đều làm ăn vô cùng bết bát. Chỉ sau chưa đầy một năm hoạt động, KFC Nhật Bản đã thua lỗ khoảng hơn 100 triệu yên. Thậm chí chủ cửa hàng KFC đầu tiên tại Nhật Bản là Okawara Takeshi còn phải ngủ lại tại cửa hàng để tiết kiệm chi phí, bởi việc kinh doanh ế ẩm đã đẩy ông tiến sát đến bờ vực phá sản.

Sự bết bát này đến từ việc công ty mẹ ở Mỹ yêu cầu KFC Nhật Bản đặt các cửa hàng ở khu vực ngoại ô, thay vì ở các khu trung tâm thành phố như ý định ban đầu của Mitsubishi. Bên cạnh đó, rất nhiều người dân Nhật Bản khi đi qua cửa hàng còn chẳng biết KFC đang kinh doanh cái gì. Có người còn tưởng rằng đây là một cửa hàng bánh kẹo cho trẻ con, bởi tông màu trắng đỏ hết sức rực rỡ và bắt mắt.

"Kentucky mừng Giáng Sinh"

Theo người phát ngôn của công ty KFC Nhật Bản Motoichi Nakatani, truyền thống này bắt đầu nhờ vào Takeshi Okawara, giám đốc cửa hàng KFC đầu tiên ở nước Nhật.

Ngay sau khi nhà hàng đầu tiên của chuỗi thức ăn nhanh này khai trương vào năm 1970, Okawara tỉnh giấc giữa đêm và vội vàng ghi chép một ý tưởng bật ra với ông từ giấc mơ: bán một "thùng quà tiệc" vào dịp Giáng Sinh.

Okawara ấp ủ giấc mơ sau khi nghe lỏm một cặp đôi người nước ngoài trong nhà hàng của ông nói về việc họ nhớ gà tây đến mức nào khi Giáng Sinh đến, bà Nakatani tả lại.

Ông Okawara hi vọng một bữa tiệc Giáng Sinh với gà rán có thể là một sự thay thế tốt, vì thế ông bắt đầu quảng bá "thùng quà tiệc" của ông như một cách mừng lễ Giáng Sinh.

Vào năm 1974, KFC lên kế hoạch quảng bá sản phẩm này toàn quốc, và gọi nó là Kurisumasu ni wa Kentakkii, có nghĩa là Gà rán Kentucky cho Giáng Sinh.

Dự án ngay lập tức thành công như diều gặp gió, và ông Okawara từng học tại Đại học Havard cũng thăng tiến nhanh chóng. Ông trở thành Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Gà rán KFC Nhật Bản từ năm 1984-2002.


Cũng có nhiều người khác ở Nhật coi đây là một dịp lãng mạn giống như lễ Tình nhân Valentine.

"Thùng quà tiệc" cho Giáng Sinh gần như ngay lập tức trở thành hiện tượng khắp cả nước, Joonas Rokka, phó giáo sư ngành marketing tại Trường Kinh tế Emlyon ở Pháp nhận định. Ông đã nghiên cứu về Gà rán KFC Giáng Sinh ở Nhật như một kiểu mẫu chiến dịch khuyến mãi.

"Nó đã lấp đầy một khoảng trống", Rokka nói. "Nhật Bản không có truyền thống Giáng Sinh, và rồi KFC xuất hiện và nói, đây là việc bạn nên làm trong mùa Giáng Sinh".

Quảng cáo bữa ăn Giáng Sinh của công ty này thể hiện hình ảnh các gia đình Nhật Bản hạnh phúc quây quần quanh thùng quà là gà rán.

Không chỉ có ức gà và đùi gà, bữa tiệc được chuyển đổi thành hộp thức ăn gia đình đặc biệt có đầy gà rán, bánh ngọt và rượu.

Năm nay, công ty bán các suất ăn tiệc tối mừng Giáng sinh Kentucky, từ loại gồm hộp gà có giá 3.780 yen Nhật (tương đương 32 đô la Mỹ), cho đến phần ăn gồm một con gà quay "cao cấp" và các món ăn kèm với giá lên đến 5.800 yen Nhật.

Theo hãng KFC, suất ăn Giáng Sinh chiếm khoảng một phần ba lượng hàng bán ra của chuỗi cửa hàng này tại Nhật Bản.

Các cửa hàng cũng trang trí lại nhân vật hình ảnh của công ty, Đại tá Sanders cười tươi với bộ râu trắng, giờ đây mặc trang phục ông già Noel trong dịp lễ. Trong một quốc gia vốn tôn vinh các giá trị với người lớn tuổi, Ông già Sanders mặc áo đỏ ngay lập tức trở thành biểu tượng của kỳ lễ hội.

"Điều kỳ lạ nhất"

Hiện tượng này là độc nhất vô nhị ở Nhật Bản - và có thể xem là kỳ lạ với những quốc gia khác. Ý tưởng này chẳng có vẻ gì là dược đón nhận ở quê hương của gà rán KFC, Kevin Gillespie, đầu bếp của hai nhà hàng tại thành phố Atlanta, Georgia, nói.

"KFC cho dịp Giáng Sinh? Đó là một trong những điều kỳ lạ nhất tôi từng nghe". Gillespie nói. "Nếu bạn mang một xô gà rán đến bữa tiệc tối Giáng Sinh, thật lòng mà nói, tôi sẽ nổi cáu với bạn".

Đó không nhất thiết là một cú bứt phá của sản phẩm KFC, Gillespie nói. Ý tưởng cơ bản là mang thức ăn nhanh vào tiệc đêm Giáng Sinh "có lẽ sẽ bị hầu hết mọi người coi là thô lỗ", Gillespie nói.


Hiện tượng này là độc nhất vô nhị ở Nhật Bản - và có thể xem là kỳ lạ với những quốc gia khác.

Tuy nhiên, ở Nhật Bản, nơi có khoảng 1% dân số là người theo Thiên chúa giáo, Giáng Sinh không phải một kỳ nghỉ chính thức, Rokka cho biết. Vì thế ý tưởng cả gia đình sẽ quây quần cả ngày làm món thịt xông khói hay gà tây và các món ăn kèm không hẳn là thực tế lắm. Thay vì vậy, họ quây quần bên nhau với một xô gà rán.

"Đây là một dấu hiệu khác của toàn cầu hoá, nơi nghi thức của người tiêu dùng lan rộng đến các quốc gia khác và được diễn giải theo một nghĩa hoàn toàn khác", Rokka nói. "Giờ đây chẳng có gì bất thường khi khắp thế giới đều có cửa hàng Ikea. Ý tưởng KFC mừng Giáng Sinh chỉ là sử dụng chủ nghĩa tiêu dùng và hướng nó vào một dịp lễ".

Lý do để đoàn tụ

Đã từng đi nước ngoài nhiều lần, Ando biết quốc gia của ông có lẽ là nước duy nhất đón Giáng Sinh bằng một bữa tiệc với xô gà rán. Nhưng ông coi điều này là một truyền thống hơn là một quảng cáo khuyến mãi của công ty.

Với Ando, ông vẫn lên kế hoạch mua gà KFC cho các con vào Giáng Sinh này. Nhưng ông cũng đến tiệm bánh mua bánh Giáng Sinh.

Vào Đêm Giáng Sinh, gia đình sẽ quây quần quanh xô gà rán KFC, hệt như bầu không khí mà ông Ando đã từng được hưởng khi còn là một đứa trẻ, và cũng như các con ông cũng sẽ làm cho con cái chúng sau này.

"Nó giống như biểu tượng cho cuộc đoàn tụ gia đình", Ando nói. "Không phải là vì thịt gà, mà là vì gia đình quây quần bên nhau, và sau đó gà rán chỉ là một phần của việc đoàn tụ thôi".

Cập nhật: 18/12/2020 Theo BBC/Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video