Bệnh nhân 7 tuổi được ghép phổi do giãn phế quản lan tỏa gây biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, sau gần 2 năm sức khỏe ổn định.
Chiều 27/12, Hội đồng khoa học Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng đã nghiệm thu đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não" do GS Đỗ Quyết, Học viện Quân y làm chủ nhiệm đề tài.
Bệnh nhân là cháu Ly Chương Bình (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi, đã biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn. Bệnh khiến cháu bé suy dinh dưỡng độ III được chỉ định bắt buộc phải ghép phổi.
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực của bệnh nhân trước khi ghép phổi. (Ảnh: Bệnh viện Quân y 103).
Sau đó bác sĩ đã cắt bỏ toàn bộ 2 lá phổi của người bệnh, lấy 1 thùy phổi từ bố đẻ và 1 thùy từ bác ruột để ghép. Sau mổ, 2 người cho được rút ống nội khí quản và phổi đã giãn nở ra hoàn toàn. Không có biến chứng nào đối với cả người cho và nhận phổi. Cháu bé không có biến chứng về lâm sàng cũng như nhiễm trùng.
Đến nay, sau gần 2 năm ghép phổi, cháu Ly Chương Bình tăng cân, sức khỏe ổn định, đã đi học và sinh hoạt bình thường.
Cháu Ly Chương Bình và mẹ đẻ. Ảnh chụp chiều 27/12. (Ảnh: BN).
GS Đỗ Quyết cho biết, để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với chuyên gia Nhật Bản và chuẩn bị từng bước sẵn sàng cho việc làm chủ kỹ thuật. Ca ghép đã thành công, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng được các quy trình, kỹ thuật ghép thùy phổi từ người cho sống và hồi sức, điều trị, theo dõi sau ghép phổi. Đề tài hoàn thành sớm một năm so với dự kiến ban đầu.
Hội đồng khoa học đánh giá đề tài đạt mức xuất sắc và đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo, chuẩn hóa các quy trình coi đây là tư liệu quý của quốc gia. Với thành công này ghép phổi có thể trở thành kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện Quân y 103 và nhiều bệnh viện lớn tại Việt Nam.