Các nhà khoa học chụp được hình ảnh 2 ngoại hành tinh đang phát triển, hút vật chất quanh ngôi sao mới hình thành. Đây là hệ hành tinh thứ hai có hơn một hành tinh từng được chụp.
Hai ngoại hành tinh được ghi lại hình ảnh xoay quanh ngôi sao PDS 70, cách Trái Đất gần 370 năm ánh sáng. Ngôi sao chỉ mới hình thành từ 6 triệu năm trước, vẫn rất "trẻ" so với Mặt trời của chúng ta đã hơn 4,5 tỷ năm tuổi.
PDS 70 có khối lượng nhỏ hơn Mặt trời của chúng ta và vẫn đang hút vật chất trong vũ trụ để hình thành nên các ngoại hành tinh (exoplanet - hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt trời). Xoay quanh ngôi sao là một đĩa lớn gồm các vật chất bụi và khí, theo CNN.
Ảnh mô phỏng quá trình hút vật chất của hai ngoại hành tinh xoay quanh ngôi sao trẻ PDS 70, tạo nên khoảng trống lớn trong đĩa vật chất. (Ảnh: CNN).
Hai ngoại hành tinh được ghi lại hình ảnh là PDS 70 b và PDS 70 c tạo ra những khoảng trống xen giữa đĩa vật chất của ngôi sao. Khoảng trống này được ước tính có chiều dài từ 3,05-6,11 tỷ km.
"Đây là lần đầu tiên chúng ta phát hiện một hệ hành tinh có hơn hai ngoại hành tinh và tạo ra một khoảng trống trong đĩa vật chất của nó", Julien Girard, chuyên gia tại Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian tại Baltimore, bang Maryland, cho biết.
PDS 70 b là hành tinh gần nhất với ngôi sao trung tâm với khoảng cách gần 3,2 tỷ km. Khoảng cách này tương đương từ Mặt trời đến sao Thiên vương, hành tinh thứ 5 của Hệ Mặt trời của chúng ta. PDS 70 b được nhìn thấy lần đầu vào năm 2018, có khối lượng lớn hơn sao Mộc khoảng 4-17 lần.
PDS 70 c mới được phát hiện gần đây và nằm ở phần rìa của đĩa vật chất, cách ngôi sao trung tâm khoảng 5,3 tỷ km. Khoảng cách này tương đương từ Mặt trời đến sao Hải vương. Nó có khối lượng gấp 1-10 lần sao Mộc.
Theo các nhà khoa học, hành tinh nằm gần PDS 70 có quỹ đạo bay nhanh gấp hai lần hành tinh còn lại. Hành tinh thứ hai được nhìn thấy thông qua kính viễn vọng quang phổ cỡ lớn của Đài quan sát Nam Âu (ESO).
Ảnh chụp bằng kính viễn vọng cho thấy hai ngoại hành tinh (được khoanh tròn) xoay quanh ngôi sao trẻ PDS 70. (Ảnh: ESO).
Ảnh chụp hệ hành tinh PDS 70 là bằng chứng cho thấy các hành tinh trong quá trình hình thành có thể hút một lượng vật chất lớn đến mức tạo ra khoảng trống rõ rệt bên trong đĩa vật chất xoay quanh một sao trẻ.
"Với những hệ thống thiên văn như ALMA, Hubble hay kính viễn vọng cỡ lớn trên mặt đất với thấu kính cực nhạy, chúng ta phát hiện nhiều đĩa vật chất quanh các ngôi sao với vòng tròn và khoảng trống xen giữa. Ẩn số là liệu trong những đĩa vật chất đó có hành tinh tồn tại hay không? Với bằng chứng lần này, câu trả lời là chúng có tồn tại", Girard khẳng định.
Phát hiện thiên văn quan trọng này đã được các nhà khoa học công bố trên tạp chí khoa học Nature vào ngày 3/6.