Các nhà khoa học ngày 26/8 thông báo có thể họ đã tìm thấy những đám mây nước đầu tiên bên ngoài Hệ Mặt trời.
Theo đó, các đám mây nước được tìm thấy trên WISE J0855-0714 - một ngôi sao lùn nâu (là một hành tinh khí khổng lồ nhưng không trở thành một ngôi sao) nằm cách Trái đất chỉ 7,3 năm ánh sáng.
Mây nước được phát hiện trên ngôi sao lùn nâu WISE J0855-0714, nằm cách Trái đất chỉ 7,3 năm ánh sáng - (Ảnh minh họa: Corbis)
Các nhà khoa học cho biết WISE J0855-0714 lớn hơn sao Mộc 10 lần, là ngôi sao lùn nâu lạnh nhất từng được tìm thấy, với nhiệt độ vào -48 và -13 độ C, lạnh hơn Trái đất nhưng ấm hơn sao Mộc.
Nếu phát hiện này là đúng, đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc tìm kiếm các hành tinh có sự sống như Trái đất của chúng ta trong tương lai, theo Daily Mail.
Phát hiện do nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Jacqueline Faherty thuộc Viện Khoa học Carnegie ở Washington DC (Mỹ) công bố. Tiến sĩ Faherty cho biết đã dùng kính thiên văn 6,5m Magellan Baade ở Chile để có được 151 hình ảnh cận hồng ngoại, sau đó kết hợp chúng lại để nghiên cứu và đi đến phát hiện trên. "Tôi hoàn toàn phấn chấn", bà nói. Bà cũng cho biết đã quan sát suốt ba đêm liền mới có được phát hiện mang tính đột phá.
Trước đây, hơi nước đã được phát hiện ở các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời, nhưng đây là lần đầu tiên những đám mây nước được tìm thấy. Ngay cả trong Hệ Mặt trời của chúng ta, những đám mây nước chỉ được biết đến trên Trái đất và sao Hỏa.