Nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng áo tơi để lao động ngoài trời tăng đột biến. Người dân thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) phải hối hả để cho ra lò những dụng cụ chống nắng đậm chất quê.
Độc đáo làng làm áo tơi chống nắng
Từ đầu tháng 5 đến nay, miền Trung liên tục nắng nóng gay gắt trên 37 độ C, nhiều ngày lên tới 40 độ C. Để hạn chế tia nắng, người dân Hà Tĩnh thường mặc áo tơi ra đồng làm việc.
Ở Hà Tĩnh, có một làng chuyên làm áo tơi là Yên Lạc, xã Quang Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Hiện trong làng có khoảng 100 hộ sản xuất áo tơi và chỉ làm duy nhất một đợt trong năm, bắt đầu cuối tháng Hai âm lịch đến giữa tháng Tư. Áo được làm từ lá nón và dây mây. Việc tìm kiếm lá khá vất vả, người dân thôn Yên Lạc phải lên vùng núi huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cách nhà khoảng 50 km để chặt.
Bà Thân Thị Cúc (55 tuổi) cho biết, lá tơi được sấy bằng lửa ở trên núi, sau đó đem về phơi khô một ngày, tiếp đó phơi sương một đêm cho dẻo và phơi nắng một buổi mới có thể đưa ra dùng. Lá được sắp xếp lên bàn chằm theo thứ tự, để dễ gấp nếp thì phải sử dụng thước để đè lên. Những lá tán to, đẹp được kết vòng ngoài để làm nền.
Khi may áo tơi thì cần có bàn chằm (phản đặt lá để đan), tiếp đó là 6 chiếc nẹp gỗ (được gọi là thước) rộng 3 cm, dài 1,5 m để giữ nếp tơi.
Chiếc kim dài khoảng 25 cm dùng để xâu sợi mây vào may các đường chỉ ở trên áo tơi. Một chiếc áo tơi thường có 5 đường may.
Theo ông Thân Văn Sơn (56 tuổi, chồng bà Cúc), để làm áo tơi bắt buộc phải có dây mây. Dây khi khai thác về sẽ được chẻ ra, ngâm vào nước khoảng 2 tiếng để cho mềm và dễ may.
Vợ chồng ông Sơn thường chia nhau mỗi người làm một công đoạn. Bà Cúc kết các lá lại với nhau, hoàn thành tấm tơi cơ bản. Ông Sơn đảm nhận việc may các đường chỉ và làm viền cổ tơi.
Sau hơn một tiếng, ông Sơn cùng vợ đã hoàn thành một chiếc áo tơi. Trung bình mỗi ngày vợ chồng ông làm được khoảng 5-6 chiếc.
“Áo tơi bán giá thấp, mỗi chiếc giá 40-50 nghìn đồng. Nếu mùa nào trúng có thể thu về khoảng 5-6 triệu đồng. Trước kia dân làng làm quanh năm, nhưng bây giờ chỉ làm mỗi một mùa. Đây là nghề truyền thống của cha ông nên hàng năm chúng tôi đều làm, mục đích để giữ gìn bản sắc quê hương”, bà Cúc cho hay.