Liệu định vị bằng tiếng vang có phải giác quan thứ 6 của con người?

Bằng cách luyện tập, ta cũng có thể có được "siêu năng lực" này.

Trong thế giới động vật, các giống loài khác nhau như dơi, cá heo hoặc cá voi, phát ra âm thanh để định hướng vị trí bản thân trong môi trường của chúng và xác định con mồi. Khả năng định vị bằng tiếng vang không phải là một khả năng đặc biệt vì thực chất con người chúng ta cũng có thể học và làm được điều đó.


Màu vàng: sóng đi ra - Màu đỏ: sóng dội về.

Với các âm thanh tạo ra bằng miệng và một khoảng thời gian thực hành nhất định, bất kỳ ai cũng có thể phát triển kỹ năng này. Tuy nhiên, khả năng này đặc biệt tốt ở những người mất thị giác, và lời giải thích có thể nằm trong não bộ của họ. Liệu chúng ta đã khai phá được giác quan thứ sáu đầy triển vọng này?

Giống như học một ngôn ngữ mới

Tương tự như cách thiết bị phát hiện tàu ngầm hoạt động, dơi, cá voi và cá heo phát ra âm thanh và não của chúng phân tích tiếng vang dội lại. Sự phản hồi âm thanh này cung cấp thông tin cần thiết cho chúng để định vị và theo dõi con mồi, khả năng này được gọi là định vị bằng tiếng vang (Echolocation). Với tầm nhìn hạn chế và môi trường sinh hoạt ít ánh sáng, chúng khó có thể nhìn được như con người.


Minh hoạ mô hình âm thanh của tiếng chép miệng trong định vị bằng tiếng vang ở con người. (Nguồn: Thaler et al).

Nhưng khả năng này không chỉ dừng lại ở những loài động vật này. Con người cũng có thể phát triển nó bằng thực hành và tập luyện thường xuyên.

"Trong phòng thí nghiệm, chúng tôi huấn luyện các tình nguyện viên bằng cách yêu cầu họ thực hiện một số bài kiểm tra định vị bằng tiếng vang cụ thể, ví dụ phát hiện ra một đối tượng có ở phía trước họ hay không, và bằng cách cung cấp phản hồi sau mỗi lần thực hiện, chúng ta có thể biết câu trả lời của họ chính xác hay không", Lore Thaler, một nhà nghiên cứu thuộc khoa tâm lý học thuộc Đại học Durham (Vương quốc Anh), trả lời phỏng vấn OpenMind.

Các đối tượng tham gia đã cho thấy sự tiến bộ sau khi lặp lại bài kiểm tra nhiều lần. Một chuyên gia định vị âm vang đã so sánh kỹ năng này với việc học một ngôn ngữ thứ hai – bí quyết chung để tiến bộ là thường xuyên thực hành.

Trong trường hợp của bà, bà cố gắng luyện tập, ngay cả ở ngoài phòng thí nghiệm. "Khi tôi tập luyện, tôi thường nhắm mắt lại hoặc dùng băng bịt mắt lại, mang theo một cây gậy giúp tôi phát hiện ra những trở ngại trên mặt đất", bà nói.

Phát triển từ việc tầm nhìn bị hạn chế

Bất cứ ai cũng có thể nghe được tiếng vọng của mình, và từ những tiếng vang xung quanh, chúng ta có thể nhận thấy bản thân đang ở trong một không gian lớn hay nhỏ hay một căn phòng trống. Nhưng để biết thêm thông tin, chẳng hạn như phát hiện vật thể hoặc chướng ngại vật, cần phải có những tín hiệu chủ động.

Santani Teng, một nhà nghiên cứu tại Khoa Tâm lý học của Đại học California Berkeley (Mỹ) cho biết: "Chỉ với một chút thực hành cùng những tín hiệu chủ động, như tặc lưỡi và các âm thanh khác, những người bị bịt mắt có thể học cách phân biệt kích thước, khoảng cách, và thậm chí là hình dạng của vật thông qua khả năng định vị âm vang".

Mặc dù bất cứ ai cũng có học kỹ năng này, nhưng kỹ năng này đặc biệt phát triển ở những người mất thị giác. Theo Teng, mất thị giác ở độ tuổi càng trẻ thì khả năng định vị âm vang càng trở nên sắc nét.


Mặc dù bất cứ ai cũng có thể phát triển khả năng này, nhưng khả năng này đặc biệt phát triển ở những người mất thị giác... (Nguồn: Freaktography).

Ông cũng cho biết: "Họ có thể sử dụng các tín hiệu tiếng vang với sự chính xác ở mức độ mà hầu hết những người bình thường chưa có sự luyện tập không thể so sánh được".

Theo quan điểm của ông, việc mất thị lực dài hạn đã tạo điều kiện khiến việc định vị bằng tiếng vang trở nên tốt hơn, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết điều kiện đó là gì. Điều mà họ biết là ngoài miệng, kĩ năng này bao gồm hai vùng cơ bản của cơ thể: tai, nơi đón tiếng vọng dội lại, và bộ não xử lý những thông tin này. Với những người mù, hình ảnh não cho thấy các vùng liên quan đến thị giác được kích hoạt. Điều này chứng tỏ sự sắp xếp các tín hiệu tiếng vang khởi phát nên các quá trình đặc biệt ở não của những người mất thị lực.

Định vị âm vang nhanh hơn ở dơi

Sự khác biệt chính về khả năng định vị âm vang giữa người và dơi nằm ở tốc độ và quãng tần số âm vang. Dơi sử dụng dải tần siêu âm mà tai người không nghe được, chúng ta chỉ có khả năng nghe các âm ở tần số giữa 20 hertz và 20 kilohertz, trong khi các âm tần siêu âm dao động ở tần số cao hơn.

Đồng thời, các âm vang ở loài dơi cũng được phát ra nhanh hơn. Stefan Greif, nhà nghiên cứu thuộc nhóm nghiên cứu Sensory Ecology thuộc Học viện Max Panck, Đức, cho biết: "Cũng giống với con người, dơi phát ra âm thanh sử dụng dây thanh quản. Sự khác biệt nằm ở việc chúng có hệ thống cơ siêu tốc, giúp tạo ra âm thanh ở tốc độ rất cao".

Tốc độ này còn nhanh hơn nữa nếu chúng tiếp đất hoặc săn mồi, khi đó, âm thanh có thể được phát ra ở tốc độ 160 âm/giây. Tốc độ phát âm càng cao, chúng sẽ càng thu thập được nhiều thông tin. Theo Greif, sự khác biệt giữa sóng hạ âm và các âm khác chỉ là 5 mili giây.

Bỏ qua sự khác biệt giữa loài người với các loài động vật khác, liệu chúng ta đã có thể kết luận rằng định vị âm vang là một loại giác quan thứ sáu? Khả năng phối hợp đa giác quan này có sự kết hợp giữa thính giác và các vùng vỏ não có liên quan tới thị giác ở những người mù, tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều điều chưa được khám phá trước khi chúng ta đi đến kết luận này.

Cập nhật: 25/11/2017 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video