Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa lò phản ứng hạt nhân module nhỏ vào vận hành thương mại.
Theo báo cáo của Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc, lò phản ứng số 1 có công suất 200 MW của nhà máy điện hạt nhân Shidaowan ở vịnh Shidao, tỉnh Sơn Đông, đã hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm và chính thức kết nối với lưới điện vào cuối tháng trước.
Nhà máy điện hạt nhân Shidaowan trên vịnh Shidao ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: WeChat)
Đây là lò phản ứng dạng module nhỏ làm mát bằng khí đầu tiên trên thế giới với các đặc điểm của hệ thống năng lượng hạt nhân tiên tiến thế hệ thứ 4. Nó có kích thước chỉ bằng 1/5 so với lò phản ứng áp lực nước thế hệ thứ ba Hualong One, cho khả năng mở rộng dễ dàng hơn, cũng như tiết kiệm chi phí xây dựng và vận hành.
Lò phản ứng mới còn được thiết kế để tắt nhanh chóng khi gặp sự cố, trái ngược với các hệ thống đang hoạt động có thể không kích hoạt biện pháp an toàn nếu mất điện, như những gì đã xảy ra với thảm họa điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào thập kỷ trước.
Theo Bloomberg, hiện không có quốc gia nào trên thế giới đầu tư vào điện hạt nhân "mạnh tay" hơn Trung Quốc. Chính phủ nước này có kế hoạch rót 440 tỷ USD để xây dựng các nhà máy mới trong 15 năm tới, với mục tiêu vượt qua Mỹ để trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân hàng đầu.
Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào công nghệ phản ứng nhiệt hạch - bắt chước phản ứng của Mặt Trời và các ngôi sao để tạo ra điện - hứa hẹn sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Hôm 30/12, lò phản ứng Tokamak siêu dẫn tiên tiến thử nghiệm (EAST), còn gọi là "mặt trời nhân tạo" của Trung Quốc, đã lập kỷ lục thế giới mới khi duy trì liên tục plasma siêu nóng ở nhiệt độ 70 triệu độ C trong 1.056 giây.
Bên cạnh lò phản ứng số 1, tập đoàn điện lực China Huaneng Group cũng đang phát triển lò phản ứng số 2 cho nhà máy Shidaowan, dự kiến đi vào hoạt động đầy đủ từ năm sau.